Thủ đoạn nâng khống giá robot phẫu thuật lên 39 tỷ

Robot hỗ trợ phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai có giá nhập khẩu 7,4 tỷ đồng nhưng các bị can cấu kết, nâng khống giá thành 39 tỷ.

Trong buổi họp báo Chính phủ chiều 4/9, thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an - thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ nâng khống giá thiết bị y tế nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Việc nâng khống giá được áp dụng đối với nhiều thiết bị, trong đó có hệ thống robot hỗ trợ Rosa phẫu thuật sọ não, thần kinh, có xuất xứ từ Pháp.

“Giá robot 7,4 tỷ nhưng được khai khống lên 39 tỷ đồng”, ông Xô thông tin.

Phạm Đức Tuấn (trái), Ngô Thị Thu Huyền và Trần Lê Hoàng. Ảnh: Bộ Công an.

Theo cơ quan chức năng, giai đoạn 2016-2017, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở này theo hình thức xã hội hóa.

Năm 2017, bệnh viện và Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS ký hợp đồng liên doanh, liên kết về việc đưa máy móc, thiết bị y tế áp dụng vào khám, chữa bệnh trong thời hạn 7 năm. Hai bên thỏa thuận, Công ty BMS đầu tư 100% vốn để nhập thiết bị. Phần chi phí thu được sẽ chia đôi sau khi đã khấu trừ các khoản bỏ ra.

Một trong số thiết bị được Công ty BMS đưa vào Bệnh viện Bạch Mai sau khi ký thỏa thuận là robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh Rosa.

Theo thông tin nhập khẩu, robot này có giá đầu vào khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT). Sau khi chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ thuật, giá sản phẩm khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty BMS báo giá thiết bị này lên đến 39 tỷ đồng và chi phí nhập khẩu do doanh nghiệp bỏ ra 100%.

Quá trình thực hiện, Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) được thuê để thẩm định giá robot Rosa.

Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Việt Linh.

Tháng 3/2017, Bệnh viện Bạch Mai công bố đã sử dụng hệ thống robot Rosa để phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhân đầu tiên bị giãn não thất. Đến nay, hàng trăm người bệnh được phẫu thuật thần kinh bằng robot này.

Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, giá nhập robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty BMS khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca. Như vậy, số tiền người bệnh bị chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng.

Ngày 1/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền, phó giám đốc công ty này và Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty VFS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an tiếp tục tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-doan-nang-khong-gia-robot-len-39-ty-post1127918.html