Thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng

Lợi dụng quy trình chuyển tiền online, Phạm Thu Diệu đã thuê người làm giả số điện thoại để chiếm đoạt tiền. Ngay khi có được sim điện thoại giả, Diệu xin cấp lại mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi đăng nhập vào tài khoản chuyển khoản toàn bộ tiền có trong tài khoản đến những tài khoản trung gian khác. Trong vòng 20 ngày, nhóm của Diệu chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng.

 Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Đang chờ xét xử vẫn phạm tội

Công an quận Hà Đông, Hà Nội, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm 5 đối tượng về các tội danh "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Các đối tượng bị khởi tố gồm: Phạm Thu Diệu (SN 1991; trú tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Quang Anh (SN 1987; trú tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), Nguyễn Ngọc Cảnh (SN 1984; trú tại xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Trần Thị Thu Hương (SN 1980, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Hà Trung (SN 1987; trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước đó, nhiều người dân trình báo bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Tiếp nhận thông tin, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho xác lập chuyên án, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Cục An ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) để tập trung đấu tranh.

Bước đầu Công an xác định, các đối tượng chiếm đoạt số tiền lớn bằng thủ đoạn, phương thức tinh vi, trong đó có việc lợi dụng sơ hở về quản lý thông tin khách hàng, cấp sim điện thoại của các nhà mạng viễn thông, quản lý dịch vụ chuyển tiền online, đăng ký mở tài khoản của nhiều ngân hàng. Khoảng tháng 5/2022, qua công tác quản lý nắm tình hình địa bàn, từ những tài liệu, thông tin ban đầu thu thập được, Ban chuyên án đã xác định kẻ cầm đầu đường dây này là Phạm Thu Diệu (SN 1991, trú tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).

Theo cơ quan chức năng, Diệu là đối tượng không có công ăn việc làm, không có nơi ở cố định. Đối tượng này đang được tại ngoại chờ xét xử (do nuôi con dưới 36 tháng tuổi) trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, do Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội khởi tố bị can năm 2021. Dù đang phải đối mặt với án tù trong một vụ án khác nhưng "nữ quái" này vẫn nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng hình thức chiếm đoạt sim điện thoại đăng ký tài khoản của chủ tài khoản.

Phương thức tinh vi

Để thực hiện hành vi phạm tội, Diệu vào mạng xã hội mua thông tin tài khoản ngân hàng sau đó móc nối, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1993, trú tại xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) làm lại sim điện thoại của chủ tài khoản với giá thỏa thuận 25 triệu đồng/1 sim. Nhận "hợp đồng", Tuấn vào mạng xã hội liên hệ với Nguyễn Quang Anh (SN 1987, trú tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - là đại lý ủy quyền của nhà mạng viễn thông) để mua thông tin chủ thuê bao số sim điện thoại cần làm lại theo yêu cầu của Diệu với giá 150.000 đồng/1 sim.

Tiếp tục thông qua mạng xã hội, Tuấn mua Chứng minh nhân dân giả mang tên chủ thuê bao số sim cần làm lại với giá 1,5 triệu đồng rồi móc nối, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Ngọc Cảnh (SN 1984, trú tại xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ); Trần Thị Thu Hương (SN 1980, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội); Nguyễn Hà Trung (SN 1987, trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dùng các Chứng minh nhân dân giả đến các cửa hàng mạng viễn thông để xin cấp lại sim với giá thỏa thuận 5 triệu đồng/sim.

Sau khi chiếm đoạt được sim điện thoại của chủ tài khoản ngân hàng, Tuấn liên hệ với Cảnh để Cảnh giao sim điện thoại cho Diệu. Ngay sau đó, Diệu lắp sim vào điện thoại, tải ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng, xin cấp lại mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi đăng nhập vào tài khoản chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản của chủ tài khoản đến nhiều tài khoản trung gian, mua bán tiền ảo để thực hiện việc rửa tiền, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định với phương thức thủ đoạn nêu trên, từ ngày 22/5/2022 đến ngày 31/5/2022, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt được khoảng 10 tỷ đồng.

Khuyến cáo từ cơ quan công an

Thời gian vừa qua, hoạt động mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Trường hợp bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của căn cước công dân, chứng minh nhân dân không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân; đồng thời, phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Anh Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thu-doan-tinh-vi-chiem-doat-tien-ty-trong-tai-khoan-ngan-hang-20220620164813071.htm