Thu hẹp khoảng cách chính sách và thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp 'vượt bão' Covid-19

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng khi đến ngày 27/11 mới chỉ có 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

"Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi” ngày 8/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức “Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thông tin, dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình đốn. Tính đến tháng 11/2020, đã có khoảng 15.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44.000 doanh nghiệp, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

"Như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người", ông Lộc nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn. Đó là, chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

“Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh”, ông Lộc nhận định.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, đến ngày 27/11 mới có 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch.

Nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam được TS.Lê Xuân Sang cung cấp cho thấy chỉ khoảng 20% số doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này. Khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tú Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Du lịch Việt Nam thông tin, doanh nghiệp nói chung được hưởng chính sách đã ít, doanh nghiệp ngành Du lịch lại càng ít hơn. Đơn cử như chính sách cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cán bộ công nhân viên. “40 nghìn doanh nghiệp du lịch chỉ có 1 doanh nghiệp tiếp cận được gói này”, ông Bình nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, có không ít doanh nghiệp phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từ ngành, lĩnh vực kinh tế….

Vì vậy, ông Tuấn khuyến nghị, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận, hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đúng người, kịp thời. Ngoài ra, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính…

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam phải cắt giảm hoạt động kinh doanh và giảm số lượng công nhân do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, các thành phần kinh tế khác như các hợp tác xã cũng đã phải đối mặt với những tác động do dịch, nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức hỗ trợ chính của quốc gia.

UNDP cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử hay chuyển đổi số là một hướng đi tốt. UNDP cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã ở một số địa phương phát triển các mô hình thương mại điện tử…

Trong khuôn khổ diễn đàn, VCCI đã chính thức ra mắt trang thông tin điện tử về các chính sách, giải pháp của Nhà nước giúp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 http://hotro.vibonline.com.vn/. Đây là kênh thông tin hiệu quả, giúp nhóm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn, các doanh nghiệp yếu thế có thể tiếp cận nhanh chóng các thông tin về các chương trình, chính sách của Chính phủ và chính quyền các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19. Trang tin cũng là kênh đối thoại hiệu quả giữa doanh nghiệp và Bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19; tạo diễn đàn chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những thực tiễn hay trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tác động của dịch Covid-19.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-hep-khoang-cach-chinh-sach-va-thuc-tien-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-bao-covid-19-131032.html