Thu hồi danh hiệu các xã không đạt chuẩn

'Không có chuyện đã đạt xã nông thôn mới (NTM) thì mãi là NTM, nếu không có nỗ lực gia tăng hơn nữa' - là khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khi nói đến công tác thẩm định, xét duyệt, duy trì các tiêu chí đạt xã NTM.

Hơn 50% số xã đã về đích nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai trên cả nước từ năm 2010. Quan điểm của Đảng là phát huy nội lực là chính và có sự hỗ trợ của nhà nước, với phương châm là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng NTM phải lấy dân làm gốc, dân làm chủ thể trong toàn bộ quá trình thực hiện.

Người dân xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chung sức làm đường NTM

Người dân xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chung sức làm đường NTM

Với phương châm đó, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, địa phương và người dân... đến tháng 6/2019, cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn xã NTM (chiếm 50,1% tổng số xã trên toàn quốc). Tại thời điểm hiện tại, nợ đọng trong xây dựng NTM đã được xử lý dứt điểm.

Nhờ phong trào xây dựng NTM, diện mạo nhiều xã đã có những đổi thay mạnh mẽ. Rõ nét nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, nhiều địa phương đã rất tích cực, sáng tạo trong huy động và bố trí nguồn lực đầu tư; có cách làm hay để hoàn thành các công trình; triển khai các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách rõ rệt.

Kiên quyết thu hồi danh hiệu các xã không đạt chuẩn

Bên cạnh mặt tích cực của NTM, thực tế cho thấy, vẫn còn một số địa phương vì “bệnh thành tích” nên ép người dân đóng góp, trong đó có cả hộ nghèo, trẻ em, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, người có công... Cụ thể như, năm 2018, thôn Kim Thịnh, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh chủ trương thu 800.000 đồng/nhân khẩu để làm đường bê tông; 100.000 đồng/nhân khẩu làm sân bóng. Trẻ em từ 6 tháng tuổi cũng đã phải nộp các khoản thu xây dựng NTM; người từ 60 đến 79 tuổi phải nộp 50% mức đóng trên… Hay ở xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, khi tiến hành xây dựng nhà văn hóa, có xóm thu 600.000 đồng/nhân khẩu, có xóm thu tới 800.000 đồng/nhân khẩu... Với cách thu như vậy, việc tăng nguồn lực NTM dựa vào sức dân nghiễm nhiên trở thành áp lực, gánh nặng đối với người dân nghèo - đi ngược lại mục đích của chương trình xây dựng NTM.

Ngoài những xã ép dân đóng tiền để sớm về đích, còn không ít xã tìm mọi cách để phấn đấu đạt được quyết định công nhận NTM. Tuy nhiên, khi đạt rồi thì lại không lo gìn giữ, phát triển dẫn đến việc bị thu hồi quyết định đạt NTM. Câu chuyện tại tỉnh Cà Mau là một ví dụ, năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh này đã thu hồi quyết định công nhận NTM với xã Rạch Chèo. Nguyên nhân là do Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo bị kỷ luật với hình thức “cách chức”, dẫn đến xã vi phạm quy định của nội dung 18.3 “Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh” và Chính quyền xã đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” trở lên theo Tiêu chí 18 của NTM.

Mới đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM đối với 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2013 - 2015 nhưng có chuyển biến kém. Nguyên nhân chính là do các xã này không giữ vững chất lượng và đáp ứng yêu cầu mới về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, để nhiều công trình thuộc chương trình NTM bị “xuống cấp”.

Phát triển NTM bền vững, sâu rộng hơn

Nhằm tiếp tục thúc đẩy xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM ở cấp thôn bản gắn với các điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của từng địa phương… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Chương trình xây dựng NTM) đã và đang triển khai thực hiện nhiều đề án, kế hoạch quan trọng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang thúc đẩy Đề án về phát triển du lịch gắn với NTM nhằm tăng cường khả năng sinh kế cho người dân…

Cùng với Chương trình 135, Chương trình NTM mang ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn – chính vì ý nghĩa này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia) yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải quyết những tồn tại trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung thể chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo. Trong đó, lưu ý nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà cơ bản trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hoi-danh-hieu-cac-xa-khong-dat-chuan-123444.html