Thu hút đầu tư bằng nhân tố mới

Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) đang sang giai đoạn phát triển mới, đặc biệt từ năm 2021 - 2025 với định hướng trở thành khu công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo. Thực hiện mục tiêu này cần những nhân tố mới để thu hút, giữ chân nhà đầu tư. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHPT xoay quanh vấn đề này.

Hoạt động thu hút đầu tư tại SHPT đã góp phần quan trọng vào phát triển xuất khẩu, các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ra sao trong thời gian qua, thưa ông?

Các chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu của SHPT thời gian qua tương đối ổn định. Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, SHTP có 157 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn gần 44.100 tỷ đồng/108 dự án trong nước và gần 57 tỷ USD/49 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Hiện đã có 79 dự án đi vào hoạt động, với giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao hàng năm đạt trên 17 tỷ USD. SHTP còn đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng xuất khẩu chung của toàn thành phố (chiếm 37,05% năm 2019).

 PGS. TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHPT

PGS. TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHPT

Đặc biệt, SHTP tích cực đẩy mạnh chương trình phát triển CNHT cho sản phẩm công nghệ cao và giá trị gia tăng nội địa đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, giá trị gia tăng nội địa dao động trong khoảng 8 - 10% ở giai đoạn 2011- 2016, bắt đầu đi vào ổn định theo hướng tăng dần từ năm 2016.

Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động thu hút đầu tư có phần chậm lại. Các doanh nghiệp (DN) cũng thận trọng khởi động mới những dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, điểm sáng từ đầu năm 2020 đến nay là tiến độ giải ngân các dự án đã cấp phép rất nhanh, hiệu quả. Tính trong 8 tháng/2020, có khoảng 500 triệu USD được DN FDI giải ngân đầu tư.

Trước việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang diễn ra, SHPT có sự chuẩn bị như thế nào đón dòng dịch chuyển đầu tư này?

Việc dịch chuyển, tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng, đặc biệt tăng tốc sau đại dịch. Song quá trình chuyển dịch sẽ kéo dài nhiều năm chứ không thể một sớm, một chiều. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng mới toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi cung ứng cần có lợi thế cạnh tranh về năng suất, yếu tố sản xuất đầu vào như giá nguyên liệu, chi phí nhân công, năng lực chuỗi cung ứng nội địa...

Đặc biệt, vấn đề thể chế, những năm qua, thực thi các cam kết hội nhập, chúng ta đã xây dựng nhiều luật, hài hòa các quy định pháp luật... song cần chú trọng thực thi sao cho hiệu quả. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng thể chế minh bạch, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường cạnh tranh lành mạnh, tiềm lực khoa học - công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo... để giữ chân nhà đầu tư lớn.

Để trở thành khu công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, SHTP đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung thực hiện?

Đầu tiên, xây dựng quy chế khu công nghệ cao nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các DN nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và DN ươm tạo công nghệ cao. Đề xuất tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư vào SHTP phù hợp với định hướng xây dựng thành phố thông minh, trong đó tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp theo là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý hành chính, hướng đến mô hình quản trị hiện đại; nâng cấp Trung tâm R&D thành Viện Nghiên cứu triển khai, Vườn ươm thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo…

Song song đó, tăng cường hợp tác, liên kết trong và ngoài nước, như tăng cường kết nối DN FDI với DN Việt Nam; kết nối, hợp tác song phương và đa phương giữa các chuyên gia khoa học - công nghệ, giữa chuyên gia với DN… Hướng tới tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao, cũng như phát triển chuỗi cung ứng nội địa giữa các đối tác trong và ngoài nước…

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thảo (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hut-dau-tu-bang-nhan-to-moi-143812.html