Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc

Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đặc biệt là các quy định khắc phục tình trạng 'vốn mỏng', chuyển giá, đầu tư 'chui', đầu tư 'núp bóng'.

Thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cần ưu tiên bảo vệ môi trường - Ảnh: Ngọc Dương

Nghị quyết của Bộ Chính trị chỉ rõ: khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện, song phải có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Ngày 20.8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đánh giá, qua 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi, gia tăng

Giai đoạn 2021 - 2025 thu hút 200 tỉ USD

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng cho rằng việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế và phát sinh những vấn đề mới như: thể chế chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao...

Bộ Chính trị chỉ rõ: số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp còn nhiều; các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi, có xu hướng gia tăng; một số doanh nghiệp, dự án lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...

Theo Bộ Chính trị, những hạn chế yếu kém nêu trên là do chủ quan, từ nhận thức của các cấp, các ngành của xã hội còn chưa đầy đủ; thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc; năng lực cán bộ liên quan đến đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế; khả năng dự báo bất cập; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Rà soát an ninh đối với các dự án đầu tư nước ngoài

Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm: khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng với nền kinh tế VN, được khuyến khích song phải có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu, hoàn thiện thể chế, chính sách, hội nhập quốc tế để khắc phục những hạn chế hiện nay. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đặc biệt là các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Về chính sách đầu tư, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau. Áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hoàn thiện pháp luật về chống theo hướng nâng lên thành luật, xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-co-chon-loc-1117592.html