Thu hút doanh nghiệp có tâm – tầm đưa nông nghiệp hữu cơ Kỳ Anh phát triển

Huyện Kỳ Anh vừa phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế) tổ chức tọa đàm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Buổi tọa đàm diễn ra thành công với kỳ vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường ở huyện Kỳ Anh.

Buổi tọa đàm diễn ra thành công với kỳ vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường ở huyện Kỳ Anh.

Nơi “chảo lửa túi mưa” phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm, lãnh đạo huyện Kỳ Anh cùng với lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hội Nông dân, Hội LHPN, đoàn viên thanh niên của 20 xã; các trường tiểu học, trường mầm non, các nhà hàng trên địa bàn toàn huyện đã trao đổi, phổ biến và giải đáp các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Theo ông Hồ Huy Thành, Bí Thư Huyện ủy Kỳ Anh chia sẻ: Buổi tọa đàm này không chỉ giải nhiều bài toán cho nông nghiệp huyện Kỳ Anh mà còn hiện thực khát vọng xây dựng Kỳ Anh trở thành mô hình mẫu về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường.

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của lãnh đạo, nhân dân huyện Kỳ Anh.

Kỳ Anh có diện tích tự nhiên khá rộng, 1.055,99 km2, bằng một phần sáu diện tích toàn tỉnh Hà Tĩnh, 74% là đồi núi. Đây là mảnh cuối một chi của dãy Trường Sơn bắc mọc lấn ra biển… có những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển trồng lúa và các loại hoa màu khác…

Định hướng, chiến lược phát triển của Kỳ Anh, bên cạnh công nghiệp và dịch vụ, du lịch là nông nghiệp, tuy nhiên, vấn đề đầu tư vào nông nghiệp ở Kỳ Anh chưa thực sự thỏa đáng. Làm gì để nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp? Làm thế nào để có những sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân phát triển bền vững đang là những bài toán thực sự nan giải.

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh trăn trở chia sẻ, nếu nhìn góc độ khai thác bằng phân bón vô cơ thì không thể bền vững được. Cần phải giảm thiểu phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các chất cấm trong sản xuất nông nghiệp mới có thể cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Cùng với đó, các vấn đề về tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, liên kết theo chuỗi, thực phẩm "sạch" phục vụ người dân và nguồn cung ứng vật tư đầu vào để sản xuất nông nghiệp trở thành những niềm mong mỏi của chính quyền và người nông dân ở nơi “chảo lửa túi mưa”.

Sau quá trình khảo sát, tìm hiểu các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Kỳ Anh đã quyết định đưa chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ vào kế hoạch hàng năm.

Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tiếp thu một số nội dung về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn huyện Kỳ Anh.

Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp "sạch", an toàn và bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Tổ chức liên kết sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với những sản phẩm của Kỳ Anh theo hình thức liên kết, hợp tác từ khâu cung cấp giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, thu mua, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho các hộ dân trên địa bàn...

Hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sẽ giúp Kỳ Anh có nguồn cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ như phân bón, chế phẩm sinh học, đặc biệt Quế Lâm sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của nông dân.

Quế Lâm cũng sẽ hỗ trợ các hộ dân, HTX, tổ hợp tác nông nghiệp cung ứng các loại phân bón, vật tư với hình thức liên kết. Đầu tư xây dựng, hình thành các chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; kết nối với hệ thống các hệ thống cửa hàng nông sản, siêu thị nông sản của Quế Lâm...

Sau khi được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP (đầu năm 2021) và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (đầu năm 2022), mô hình trồng ổi Đài Loan ở xã Kỳ Đồng (trên 20 ha) được liên kết với doanh nghiệp Quế Lâm theo hướng sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu.

“Chúng tôi xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, khắc phục được các tồn tại hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hợp tác với Quế Lâm, khát vọng của Kỳ Anh là xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Kỳ Anh đưa chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ vào kế hoạch hàng năm, đó là quyết tâm của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội”, Bí thư huyện ủy Kỳ Anh khẳng định.

Tạo giá trị cốt lõi vì lợi ích người dân

Sẵn sàng đầu tư và đồng hành với Hà Tĩnh làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Quế Lâm và Hà Tĩnh gặp nhau ở triết lý phát triển và giá trị cốt lõi là vì lợi ích người dân. Ông Lam cho rằng, muốn làm gì thì làm, nhưng hiệu quả kinh tế, sức khỏe của người dân là vấn đề tiên quyết.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam.

“Tập đoàn Quế Lâm luôn xác định đồng hành, bồi dưỡng cho nông dân 3 kiến thức quan trọng: Thị trường, hiệu quả kinh tế các mô hình và an toàn trước dịch bệnh để giúp nông dân chủ động, trách nhiệm thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tất cả những hộ dân liên kết với Quế Lâm đều được trang bị những kiến thức quan trọng như thế và họ đã tự thay đổi số phận của mình”- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Lam, để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Hà Tĩnh, trước tiên phải thay đổi nhận thức, phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu rõ và từ đó triển khai thực hiện. Cần hướng dẫn cho người dân biết về kỹ thuật, thị trường và về kinh tế nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả cao. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động nông dân về lợi ích của phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng nông sản hữu cơ.

Kỳ Anh đưa chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ vào kế hoạch hàng năm

Tổng kết tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành đề nghị: thời gian tới, các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ và Nhân dân thay đổi nhận thức từ tập quán sản xuất vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững; tuyên truyền về giá trị, lợi ích của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đưa nội dung phát triển nông nghiệp hữu cơ vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của huyện, của xã.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành.

Quan tâm đào tạo, tập huấn cho cán bộ và hội viên, nông dân nhằm phổ biến kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường; tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ đã thực hiện thành công, trong đó tập trung hướng tới sản xuất quy mô nông hộ đến quy mô vừa.

Tiếp tục nhân rộng việc đưa công nghệ vi sinh vào xử lý các phế phẩm trong trồng trọt như rơm rạ, chất thải hữu cơ; ủ thức ăn, xử lý chất thải trong chăn nuôi; xử lý chất thải trong chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất để thay thế các hóa chất, phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc kháng sinh và các loại kích thích có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Quang Lộc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thu-hut-doanh-nghiep-co-tam--tam-dua-nong-nghiep-huu-co-ky-anh-phat-trien-5719325.html