Thu hút FDI đã thực chất hơn

Đó là nhận định của Công ty CP chứng khoán SSI trong báo cáo đánh giá mới nhất về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Huế

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo SSI, mặc dù giá trị đăng ký FDI trong 10 tháng giảm liên tục, vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn đạt 12,8 tỷ USD và 5.4 tỷ USD, giảm 15% và 16% (cùng kỳ giảm 8% và 10%) nhưng việc giảm sút này không đáng quan ngại, thậm chí vẫn đang ở xu hướng tích cực.

Vì, mặc dù giảm về giá trị nhưng về số lượng dự án FDI vẫn tăng. Số dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn trong 10 tháng tăng 26% và 20% (cùng kỳ tăng 18,7% và giảm 4,7%). Số lượng dự án tăng cao đi cùng với nhu cầu lao động, thuê mặt bằng và các dịch vụ logistic. Giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh đã tăng liên tục trong các năm vừa qua là một minh chứng.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực có vai trò xương sống cho tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI tốt. Có 9,1 tỷ USD đăng ký mới và 4,7 tỷ USD tăng vốn vào lĩnh vực này trong 10 tháng, tăng 33% và 1%. Giá trị đăng ký mới trung bình 1 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo là 8.7 triệu USD/1 dự án, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 8 triệu USD.

Số liệu thống kê 10 tháng cho thấy, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà đầu tư lớn nhất. Tính đến cuối tháng 10/2019, tổng giá trị FDI còn hiệu lực của Hàn Quốc và Nhật bản là 66 tỷ USD và 59 tỷ USD, bỏ xa Hong Kong (22,3 tỷ USD) và Trung Quốc (15,8 tỷ USD).

“Xu hướng đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong gia tăng nhanh, ngược lại với xu hướng chung là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn có nguyên nhân do các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các DN Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.”, SSI nhận định.

Theo SSI, nhìn một cách tổng thể, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang ở xu hướng tích cực. Điều này đảm bảo cho tăng trưởng nội lực của khối cùng tác động lan tỏa sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trong nước. Tuy nhiên, trong sự lạc quan của xu hướng FDI, cũng phải nhìn nhận thực tế không mấy khả quan về những điểm nghẽn hạ tầng và sự tăng giá của các yếu tố đầu vào. Giá thuê đất tăng, giá lao động tăng khi dòng vốn FDI đổ vào liên tục chắc chắn sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Việt Nam, vốn đang dựa nhiều vào câu chuyện “nhân công giá rẻ”. Tình tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trên đường bộ và tại các bến cảng cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng.

Để tiếp tục thu hút FDI, sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt Nam lại là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ. Nếu làm tốt được việc này, Nghị quyết 50 về FDI sẽ song hành cùng Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân tạo thành hai trụ cột vững chắc, giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thu-hut-fdi-da-thuc-chat-hon-115014.html