Thu hút khán giả đến với sân khấu sau dịch: Vẫn là câu chuyện đường dài

Sau nhiều tháng ròng nghỉ diễn, thậm chí nghỉ cả tập luyện để thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh do COVID-19, những ngày này, không khí hoạt động của các nhà hát, đơn vị sân khấu dần sôi động trở lại.

Những suất diễn đầu tiên thu hút đông khán giả đang là tín hiệu vui cho sân khấu nói riêng, nghệ thuật biểu diễn nói chung. Tuy nhiên, sân khấu có thực sự bứt phá một cách ngoạn mục để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng khán giả nhiều năm qua hay không thì vẫn là… câu chuyện đường dài.

Nhà hát Kịch Việt Nam – “anh cả đỏ” một thời của sân khấu cả nước vừa mở màn thành công với suất diễn đầu tiên, vở “Bệnh sĩ” (tác giả: Lưu Quang Vũ) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cảnh trong vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cảnh trong vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Sân khấu đầy ắp khán giả cùng những thông tin phản hồi tích cực từ đêm diễn khiến lãnh đạo đơn vị mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biểu diễn vở thứ hai, ngoài kế hoạch dự kiến trước đó – vở “Điều còn lại” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương). Sự quyết tâm thu hút khán giả yêu nghệ thuật đến xem biểu diễn của các nghệ sĩ và lãnh đạo nhà hát được thể hiện phần nào qua chia sẻ của NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam rằng, nghệ sĩ, nhà hát không mong muốn khán giả đến xem bằng vé mời, vé xin.

Kỳ vọng tạo sinh khí mới cho đời sống sân khấu của các nghệ sĩ nói chung, của nghệ sĩ Xuân Bắc với Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng không hẳn không có lý khi thời điểm hiện tại, nghệ sĩ cũng đang khao khát được trở lại sàn diễn sau một thời gian dài tạm nghỉ để chống dịch.

Như chia sẻ đạo diễn Kiều Minh Hiếu thì nhiều chục năm gắn bó với sân khấu, đây là lần đầu tiên trong đời, anh chứng kiến nhà hát không “sáng đèn” trong suốt 4-5 tháng liền và nghệ sĩ, diễn viên không được đứng trên sân khấu. Anh thật sự vui mừng khi vở diễn “Điều còn lại” được chọn biểu diễn trở lại ngay trong những ngày đầu. Toàn bộ ê kíp sáng tạo lại được làm việc, được biểu diễn và đời sống nghệ thuật của Thủ đô được khuấy động lại sau dịch.

NSƯT Phú Đôn cũng ví von rằng, cả một anh đời gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, việc được biểu diễn trở lại trên sân khấu sau một thời gian dài nghỉ chống dịch như “cái cây lâu ngày được tưới nước”. Nghệ sĩ rất phấn khởi được quay trở lại sàn diễn. Điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch đã thành công, mọi người được quay trở lại cuộc sống bình thường, nhiều lo lắng đã ở lại phía sau. Khi Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn cho chuỗi biểu diễn hậu COVID-19, anh cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đứng trên sàn diễn. Hơn thế, điểm biểu diễn lại là Nhà hát Lớn Hà Nội.

Bình thường, các nghệ sĩ rất khó được vào diễn tại đây. Nhà hát Lớn vẫn là điểm diễn mơ ước của hầu hết các nghệ sĩ lâu nay. Nhưng, nhờ được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, các nghệ sĩ đã được diễn ở nhà hát này. Hơn thế, vở diễn lại là một trong những tác phẩm tâm huyết nhất, được dàn dựng từ kịch bản của một trong số các tác giả lớn nhất của sân khấu Việt Nam. Đêm diễn đã rất thành công, tạo động lực lớn cho nghệ sĩ.

NSƯT Phương Nga cũng xúc động chia sẻ rằng, hơn 20 năm gắn bó với sân khấu, đã có thời điểm, cuộc sống khó khăn quá, chị đã nghĩ là mình chuyển nghề khác cho đỡ khó khăn hơn. Nhưng nghề đã chọn chị nên cuối cùng không rời bỏ được và chỉ nghĩ, nếu 1 ngày không được đứng trên sân khấu, có lẽ mình không chịu nổi. Những ngày dài nghỉ diễn vì dịch COVID-19 là thử thách cho các nghệ sĩ, trong đó có chị. Bởi, có những thời điểm, nghệ sĩ không chỉ không diễn mà còn không được tập, không được gặp nhau, cùng bàn thảo, nói chuyện về nghệ thuật nên nhớ sân khấu vô cùng.

Khi vở kịch “Bệnh sĩ” được chọn đưa ra Nhà hát Lớn biểu diễn ngay sau khi hết giãn cách xã hội, không chỉ nghệ sĩ có vai trong vở vui mừng mà các nghệ sĩ trong nhà hát cũng hồi hộp. May mắn đã đến khi vở “Điều còn lại”, chị có vai diễn trong đó được chọn diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 30-5. Chắc chắn, không chỉ có chị mà các nghệ sĩ khác sẽ “cháy” hết mình trên sân khấu để thỏa mãn niềm mong nhớ 4-5 tháng qua.

Về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho hay, những ngày qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có nhiều kế hoạch, cố gắng để cùng các nhà hát đưa nghệ thuật đến gần với nhân dân hơn.

Công tác truyền thông của Nhà hát Kịch Việt Nam và nhiều đơn vị đã thu hút khán giả đến rạp. Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ tiếp tục tìm phương hướng hỗ trợ tốt nhất cho các nhà hát trong công tác biểu diễn và tham mưu cho các lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, hiện tại, chúng ta mới ở thời kỳ đầu tiên. Với vở diễn mở màn – “Bệnh sĩ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vận động cán bộ công nhân viên mua vé, tạo điều kiện cho diễn viên. Về lâu dài, để phát triển nghệ thuật sân khấu, thu hút khán giả đến rạp thì phải có nhiều giải pháp căn cơ, chiều sâu, thích nghi với đời sống xã hội hiện nay, chứ không thể chỉ là thích nghi với COVID-19.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/thu-hut-khan-gia-den-voi-san-khau-sau-dich-van-la-cau-chuyen-duong-dai-597185/