Thu hút kiều bào khởi nghiệp

Nhiều kiều bào sau thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã trở về thực hiện các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh thành công ngay tại quê cha, đất tổ. TP Hồ Chí Minh đang là điểm đến của rất nhiều kiều bào, thành phố đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để kiều bào khởi nghiệp.

Vườn rau sạch sản xuất bằng phương thức thủy canh rộng gần 10.000 m2 ở quận 2 của doanh nhân Việt kiều Peter Hồng (kiều bào Ô-xtrây-li-a) và cộng sự đầu tư năm 2015 đã trở thành mô hình trồng rau đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện, ông Peter Hồng đã xác định hướng phát triển xuyên suốt là phải sử dụng công nghệ, quy trình hiện đại, chặt chẽ. Từ máng trồng rau, hạt giống, hệ thống tưới, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói… rau đều được nhập về từ các nước tiên tiến và có chất lượng tốt. Tất cả rau, quả đều được trồng trong nhà kín để phòng tránh côn trùng; không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng. Nguồn nước sử dụng phải thông qua kiểm định hằng tháng bởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Ông Peter Hồng, hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ: "Cũng như nhiều Việt kiều khác, tôi luôn hướng về quê hương bằng tình cảm sâu sắc và mong muốn được cống hiến bằng những việc làm cụ thể".

Không dừng lại ở việc phát triển vườn rau, ông Peter Hồng cùng cộng sự còn đầu tư nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều thiết bị, vật dụng cho công nghệ trồng rau thủy canh nhà kín. Doanh nhân này luôn mong muốn phát triển rộng mô hình trồng rau thủy canh và sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, các hợp tác xã.

Sinh ra và lớn lên ở Ca-na-đa, Kimble Ngô (kiều bào Ca-na-đa) từ bỏ công việc đã làm bảy năm tại một ngân hàng lớn ở Xin-ga-po để trở về Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Blockchain. "Ngay từ nhỏ, tôi đã mong một ngày sẽ trở về Việt Nam để kết nối người thân, họ hàng và quê hương của mình. Cơ hội lập nghiệp ở Việt Nam rất nhiều, tiềm năng rất dồi dào, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp về phát triển công nghệ mới cho đất nước. Tôi cũng tin tưởng nhiều bạn trẻ kiều bào khác sẽ trở về nước giống như mình để dành những tâm huyết và sự cống hiến cho quê hương", chàng trai gốc Việt này tâm sự.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm TP Hồ Chí Minh đón khoảng 30.000 bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình tại Việt Nam. Hơn hai năm nay, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Thành phố đã chi từ ngân sách khoảng 90 triệu USD cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ, không chỉ về tài chính, mà còn là kiến thức, kinh nghiệm. Lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng TP Hồ Chí Minh, Việt Nam trở thành thành phố, quốc gia khởi nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, thành phố đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ, 24 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 12 không gian khởi nghiệp... và hơn 760 startup hình thành. Hiện nay, các nhà khởi nghiệp vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo và hầu hết mới thành lập trên, dưới một năm, đang trong giai đoạn đánh giá thị trường, số mở rộng kinh doanh còn hạn chế. Vốn khởi nghiệp cho cộng đồng khởi nghiệp dưới một tỷ đồng chiếm gần 60%, cho thấy vốn khởi nghiệp rất thấp; gần 50% số doanh nghiệp khởi nghiệp chưa được tài trợ; 31% đang tìm nhà đầu tư. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn một số hạn chế như: Số trường đại học có chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; việc phát triển các sản phẩm khoa học - công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học và hình thành startup thông qua các cơ sở vườn ươm tạo doanh nghiệp còn hạn chế; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin...

Chia sẻ về chương trình hỗ trợ thanh niên thành phố khởi nghiệp, Phó Bí thư Thành đoàn Ngô Minh Hải cho biết: "Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm và huy động các nguồn lực từ quốc tế về Việt Nam nhằm tạo sự cộng hưởng để đất nước cùng phát triển. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh và mong muốn kết nối các chương trình trao đổi startup, các chương trình đào tạo, liên kết chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp từ quốc tế. Ðồng thời, để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, Thành đoàn cũng đang tích cực kết nối và xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước".

Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng nhìn nhận, TP Hồ Chí Minh hiện là đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai chủ trương hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, thành phố chú trọng huy động nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của bà con kiều bào. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh luôn dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khích lệ sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài. Việc này sẽ thu hút lực lượng cố vấn cao cấp ở nhiều nơi, trong đó có kiều bào ở nước ngoài, đóng góp kiến thức, trí tuệ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố và cả nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38566802-thu-hut-kieu-bao-khoi-nghiep.html