Thu hút, nâng cao hiệu quả các dự án FDI vào nông nghiệp

ND - Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, bước đầu tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thêm nhiều việc làm mới, nâng cao đời sống nông dân... Tuy nhiên, các dự án FDI vào nông nghiệp đang có nguy cơ giảm dần. Do đó, tìm ra biện pháp thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả của các dự án FDI vào nông nghiệp là một trong những việc làm cần thiết.

Dự án ít, vốn thấp Trong giai đoạn 1998 - 2008, tổng số dự án FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ là 976 dự án, với tổng số vốn là 4,7 tỷ USD, chiếm 3,3% tổng số dự án FDI của cả nước. Trong đó, trồng trọt và chế biến nông sản chiếm 37% số vốn đăng ký và 51% số vốn thực hiện; chăn nuôi, thức ăn gia súc và chế biến các sản phẩm chăn nuôi chiếm 21% số vốn đăng ký và 23% số vốn thực hiện; trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản chiếm khoảng 35% số vốn đăng ký và 17% số vốn thực hiện; nuôi trồng và chế biến hải sản chiếm 7% số vốn đăng ký và số 9% số vốn thực hiện. Phần lớn các dự án này tập trung tại các tỉnh phía nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Lâm Đồng, chiếm đến hơn 70% số dự án. Tuy nhiên các dự án này đều có quy mô nhỏ, gắn với nguồn nguyên liệu địa phương, trừ một số dự án sản xuất mía đường, thức ăn chăn nuôi, trồng rừng và chế biến nguyên liệu giấy có quy mô hàng chục triệu USD. Đến nay, đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án còn hiệu lực đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại Việt Nam. Nhưng các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư còn thiếu tính đa dạng, trong đó nhiều quốc gia mạnh về nông nghiệp như Mỹ, Canada, Australia vẫn chưa có dự án đầu tư tại Việt Nam. Không những dự án ít, tổng vốn thấp mà số dự án đầu tư vào nông nghiệp thực tế đang giảm dần so với tổng số dự án đầu tư của cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của thực trạng này, trước hết là do chúng ta chưa có chiến lược thu hút và quy hoạch sử dụng FDI cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chưa có cơ chế chọn lựa đề xuất các dự án FDI ưu tiên trong ngành. Chưa có cơ quan của ngành theo dõi và giúp đỡ giải quyết vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI, cũng như chưa có cơ chế phối hợp giữa ngành và địa phương. Thứ hai, cơ sở hạ tầng yếu kém và tay nghề của lao động ở khu vực nông thôn rất thấp đang là những trở ngại cho thu hút đầu tư nước ngoài. Theo thống kê cho thấy, hiện tổng số lao động ngành nông nghiệp cả nước là 46,7 triệu người, chiếm 74,6% tổng lực lượng lao động toàn xã hội. Nhưng có tới 83% trong số 46,7 triệu người này chưa hề qua bất kỳ một lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật nông nghiệp nào. Ngoài ra phải kể đến các nguyên nhân từ thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp kém hiệu quả và chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài như: Chính sách về đất đai chưa thuận lợi; quỹ đất dành cho nhà đầu tư tại các địa phương manh mún, nhỏ lẻ thiếu quy hoạch đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; chính sách thuế, thủ tục đầu tư và các chế độ ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp ở các địa phương chưa rõ ràng... Đó là chưa kể đến nguyên nhân khách quan là tính rủi ro cao khi đầu tư vào nông nghiệp như phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, dịch bệnh và những biến động gần như liên tục về giá cả trên thị trường trong nước và thế giới. Cần nhiều biện pháp cụ thể Có thể thấy trong thời gian qua, các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn đã góp phần bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực này, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (bình quân 200 triệu USD/năm). Hoạt động của các dự án FDI bước đầu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu của nước ta và giúp ngành nông nghiệp tiếp nhận được nhiều công nghệ mới. Bên cạnh đó, các dự án còn tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của nhiều vùng nông nghiệp và nông thôn. Nhưng đó mới chỉ là những thành quả ít ỏi, muốn thu hút mạnh mẽ hơn nguồn FDI vào nông nghiệp để phát huy đầy đủ tiềm năng và thế mạnh của nông nghiệp nước nhà thì cần có những biện pháp cụ thể. Mới đây, Bộ NN và PTNT đã xây dựng Chương trình hành động thu hút FDI trong trông nghiệp. Theo đó, chương trình xây dựng các danh mục dự án ưu tiên gọi vốn FDI với các thông tin cụ thể về mục tiêu, địa điểm, công suất và đối tác Việt Nam để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình vận động đầu tư; xây dựng chương trình vận động đầu tư trong và ngoài nước, có trọng điểm cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể như chè, cà-phê, cao-su... Trong năm 2009, Bộ NN và PTNT sẽ chủ trì tổ chức các đoàn xúc tiến FDI tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ukraine... Một số hoạt động thu hút FDI còn được lồng ghép vào các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm, hội thảo chuyên ngành để tăng hiệu quả và giảm chi phí. Tuy nhiên, sự nỗ lực chỉ từ phía Bộ NN và PTNT là chưa đủ, mà cần có sự tiếp sức của Nhà nước trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính minh bạch, thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải góp sức trong việc thực hiện các biện pháp ưu đãi về thuế, đất đai... Ngoài ra, các cơ quan quản lý ở địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để triển khai tốt các dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có ý nghĩa rất lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, là một giải pháp tích cực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hy vọng, với những chính sách mới và nỗ lực mới, cùng những triển vọng của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, thời gian tới nhiều dự án FDI sẽ "đầu quân" vào lĩnh vực này. ÁNH TUYẾT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=154973&sub=131&top=38