Thu hút vốn FDI chậm lại

Trong 6 tháng đầu năm 2020, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đạt gần 638 triệu USD, bằng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI đầu tư vào các KCN của Đồng Nai đã chậm lại.

Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (100% vốn Đài Loan) ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H. Giang

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2020, các KCN thu hút được 41 dự án đầu tư mới có tổng vốn đăng ký hơn 169 triệu USD và 57 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm trên 479 triệu USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, Đồng Nai đã thu hút vốn FDI được hơn 1 tỷ USD và vượt kế hoạch năm.

* Nguyên nhân giảm dòng vốn

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến nguồn vốn FDI đổ vào tỉnh trong những tháng đầu năm nay giảm mạnh là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và diện tích đất cho thuê trong các KCN còn rất ít. Hiện gần 70% các KCN đã lấp đầy, những KCN còn lại thì diện tích đất cho thuê chỉ còn một vài hoặc cao lắm là vài chục ha. Vì thế, khi các tập đoàn lớn đến Đồng Nai dự tính đầu tư dự án và kéo theo nhiều doanh nghiệp (DN) vệ tinh khác đi cùng để cung ứng sản phẩm đầu vào thì tỉnh không đáp ứng được.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong 41 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới trong 6 tháng đầu năm thì có đến 36 dự án thuê lại nhà xưởng để sản xuất. Do đó, vốn đầu tư của các dự án FDI mới không nhiều, dự án có quy mô lớn nhất khoảng 35 triệu USD.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, một số tập đoàn FDI lớn muốn đầu tư vào các KCN của tỉnh và cần diện tích đất cho thuê từ 100-300ha để xây dựng nhà xưởng và đưa thêm nhiều DN nhỏ qua để cung cấp đầu vào cho sản xuất. Tuy nhiên, các KCN của tỉnh hiện không còn khu nào đủ diện tích lớn như trên để giới thiệu. Do đó, họ phải tìm đến các tỉnh, thành khác để đầu tư”.

Thực tế Đồng Nai có quỹ đất công nghiệp sạch và dồi dào hơn thì sẽ dễ dàng thu hút được các dự án lớn có công nghệ hiện đại và nguồn vốn đăng ký có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Thế nhưng, do quỹ đất cho công nghiệp có hạn, các KCN mở rộng, đầu tư mới còn vướng thủ tục, bồi thường nên đã bỏ qua nhiều cơ hội để thu hút được các tập đoàn FDI lớn trên thế giới.

Dịp đầu năm 2020, ông Heo Seong-gon, Thị trưởng TP.Gimhae thuộc tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) đã có chuyến thăm và làm việc với Đồng Nai để mở rộng hợp tác trên lĩnh vực kinh tế chia sẻ: “Có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai khá thành công. TP.Gimhae có 7,5 ngàn DN đang hoạt động và rất muốn đầu tư vào tỉnh các ngành sản xuất phụ tùng ô tô, tàu thủy, máy móc thiết bị và công nghiệp công nghệ cao”.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại của các DN FDI bị cản trở. Vì trước khi muốn đăng ký đầu tư ở nơi nào, chủ các công ty thường muốn đến trực tiếp xem thủ tục về giấy tờ, mặt bằng, nhưng hiện đại diện DN FDI qua Việt Nam buộc phải cách ly y tế 14 ngày để theo dõi và khi trở về cũng phải cách ly. Do đó, thời gian tìm một vị trí mới đầu tư tại Việt Nam cũng như Đồng Nai, chủ DN mất thời gian khá dài nên họ đành tạm dừng đợi qua dịch, khi mọi việc đi lại thuận lợi và không phải cách ly y tế nữa.

* Đẩy mạnh giải pháp để thu hút vốn

Theo kế hoạch năm 2020, các KCN Đồng Nai sẽ thu hút vốn đầu tư FDI 1,1 tỷ USD. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh cần thu hút được 462 triệu USD thì mới hoàn thành kế hoạch năm. UBND tỉnh sớm đưa ra các giải pháp nhằm tăng thu hút đầu tư FDI góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho hay: “Tỉnh sẽ tập trung vào việc đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để tạo thuận lợi cho DN FDI đầu tư vào tỉnh. Ngoài lĩnh vực công nghiệp, tỉnh mời gọi DN FDI đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, bất động sản, du lịch, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao”.

Liên quan đến việc diện tích đất công nghiệp của các KCN còn rất ít nên “bỏ lỡ” một số dự án lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp với các sở, ngành của tỉnh rà soát, đề xuất và đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 những KCN mới và diện tích mở rộng một số KCN.

Tuy nhiên, việc mở rộng, đầu tư mới các KCN trên địa bàn tỉnh để đón dòng vốn FDI trong thời gian tới còn cả chặng đường dài. Nguyên nhân là do theo trình tự thủ tục, sau khi tỉnh thống nhất thì còn phải trình Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch các KCN Việt Nam thì các dự án mở rộng hoặc đầu tư mới KCN mới có thể triển khai.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/thu-hut-von-fdi-cham-lai-3012681/