Thu hút vốn FDI đi đôi với đầu tư hiệu quả

(ĐCSVN) – Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, dự kiến trong năm 2009 việc thu vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ vượt kế hoạch 20 tỉ USD thông qua các dự án lớn vừa được cấp phép trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm đến chính là tốc độ giải ngân, đầu tư đúng, trúng và phát huy tác dụng, tạo ra những giá trị thiết thực trong đời sống xã hội.

Thắng lợi trong việc thu hút FDI Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm nay nguồn vốn FDI đầu tư vào nước ta là hơn 12,54 tỉ USD. Bên cạnh đó, một số địa phương trong tháng 10 này cũng vừa cấp phép cho các dự án quy mô lớn đến hàng tỉ USD. Có ít nhất ba dự án lớn được cấp phép đầu tư trong tháng 10 này với tổng vốn đăng ký lên đến 7,8 tỉ USD. Một trong số đó là dự án thành phố sáng tạo của Tập đoàn Galileo Investment (Mỹ) đã được tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư. Giai đoạn một của dự án phát triển khu đô thị đa năng này có vốn đầu tư 1,68 tỉ USD trong toàn dự án 11,4 tỉ USD với tổng diện tích gần 5.600 héc ta. Dự kiến, giai đoạn một của dự án được triển khai trên diện tích gần 1.500 héc ta trong 5 năm, gồm các hạng mục chính như: xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, dự án công nghệ thông tin... Tỉnh Phú Yên lên kế hoạch trao giấy phép cho nhà đầu tư vào cuối tuần này. Ngoài dự án trên, dự án xây dựng và kinh doanh khu du lịch sinh thái, giải trí phức hợp; trung tâm hội nghị quốc tế; trung tâm thương mại; khu vui chơi giải trí… tại tỉnh Quảng Nam cũng vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai công ty Mỹ Tano Capital, LLC và Global C&D, Inc… Như vậy, chưa kể nhiều dự án mới được cấp phép và tăng vốn đầu tư khác trong tháng 10 thì tổng vốn FDI cam kết trong gần mười tháng qua đã vượt con số 20 tỉ USD - vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. So với cả năm 2008 (thu hút trên 71 tỉ USD), kế hoạch đặt ra của năm 2009 là thấp, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kết quả đạt được như trên là tương đối cao trong điều kiện khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới. Các chuyên gia cho rằng, với tình hình kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm quay trở lại. Do vậy, thu hút vốn FDI trong năm nay sẽ cao hơn nữa và chắc chắn sẽ vượt xa con số 20 tỉ USD đã đặt ra. FDI thiết thực và hệ lụy Không ít các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cái ta cần không chỉ là vốn đăng ký được bao nhiêu, mà quan trọng hơn, vốn thực hiện được hấp thụ thế nào cho nền kinh tế, thiết thực đối với đời sống xã hội. Không ít những dự án rất “hoành tráng”, với số vốn lên đến cả chục tỷ đồng, các phương tiện truyền thông đưa tin rất hứng khởi, nhưng tính khả thi và tiến độ lại hoàn toàn ngược lại. Có những dự án dang dở, không khả thi đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân xung quanh dự án đó. Nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn, khi mà vốn đi vay thì dĩ nhiên hệ lụy là dự án đầu tư bị kéo dài lê thê, làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí phải ngừng đầu tư. Theo các chuyên gia, điều quan trọng thể hiện nguồn vốn đầu tư FDI là kết quả giải ngân vốn và các bộ ngành trung ương cần có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân vốn của nhà đầu tư. Trong năm nay, cả nước đặt mục tiêu giải ngân được khoảng 10 tỉ USD vốn FDI. Trong 9 tháng qua, hơn 7,2 USD đã được giải ngân, gần bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái và theo Cục Đầu tư nước ngoài là có thể đạt mục tiêu đã đề ra trong năm nay. Điều đó đã mang lại những thiết thực cụ thể đối với xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, tạo việc làm, cuộc sống người dân nhờ đó cũng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được của việc thu hút vốn đầu tư FDI vẫn còn những hệ lụy. Đó là vấn đề việc làm, chế độ đối với người lao động tại các doanh nghiệp FDI… Không ít các doanh nghiệp “ngoại” đầu tư vào Việt Nam để khai thác thị trường lao động phong phú và giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp này đã áp dụng triệt để mức lương tối thiểu để chi trả cho lao động, với thu nhập chỉ trên dưới 1 triệu đồng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người trẻ tuổi tự “giam mình” trong nhà máy, xi nghiệp với một công đoạn cụ thể, đơn điệu của nhà máy… Điều đó đồng nghĩa với việc khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ không có một nghề trong tay và trở về địa phương, sẽ là nguy cơ “gánh nặng” xã hội. Nhiều công ty “ngoại” đầu tư vào Việt Nam với hy vọng tận dụng thị trường, bởi chúng ta đang mở cửa với thế giới. Nhưng việc tích cực thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sản xuất trong nước sẽ làm giảm khả năng phát triển của các công ty nội địa, khiến cho các công ty nội cạnh tranh rất vất vả. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên "thận trọng" hơn với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì "hồ hởi" đón nhận như một tin vui không có mặt trái như trước. Điều đặc biệt quan trọng là thu hút nhưng cũng cần phải hướng nguồn vốn đó vào những lĩnh vực thực sự cần và mang lại hiệu quả cao, tránh đầu tư tràn lan, kém hiệu quả và không thực sự thiết thực đối với lợi ích nhân dân.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=366562&co_id=30066