Thủ khoa Hà Linh: 'Yêu hóa thích văn, muốn trở thành người văn hóa'

"Hãy tưởng tượng 30 năm sau, em và các bạn trở về trường cũ dự Đại lễ mừng ngôi trường tròn 60 năm, hãy kể lại sự kiện ấy bằng bài văn có sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và cảm hứng lãng mạn". Bài văn 33 trang là diễn tả hình dung của Hà Linh về 30 năm sau, khi em trở về thăm trường Hà Nội - Amsterdam, là nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cô bé ngoan ngoãn, lễ độ và lém lỉnh này tự tin và tự chủ với ước mơ bởi kiến thức và khát vọng của em đích thực.

Em nói: "Lúc đầu từ việc không hiểu, rồi tò mò và say mê môn Hóa, em đã chọn học chuyên Hóa, muốn gắn bó mãi với khoa học này. Em lại rất thích đọc sách, thích văn. Văn, Hóa ghép lại thành Văn Hóa, em phấn đấu để giỏi 2 môn này, mở rộng ra trong đời sống là được trọn vẹn văn hóa thì thật hoàn hảo. Dù không thể có sự hoàn hảo tuyệt đối, em vẫn tin có văn hóa, tâm hồn đẹp thì sẽ được một cuộc đời thú vị khi giàu có tinh thần".

Phan Hà Linh tại bãi biển Palawan, Sentosa, Singapore

Đại gia đình Hà Linh đạt sự giàu có ấy, sự giàu nào chỉ biệt thự, xe sang, lớp vỏ vật chất mà mọi người người thường thấy ở 3 người con trai nhà văn Phan Đào Nguyên. Người con trưởng - nhà báo Phan Ngọc Tiến từ nhỏ học giỏi văn, viết chữ đẹp làm công việc gắn với chữ nghĩa như cha, hai người em trai đều là doanh nhân. Ba anh em đều đoàn kết, ba gia đình thân thiết, các con của họ đều gọi bác, chú mình là "Ba".

Ba Tiến tặng tượng bán thân Bác Hồ bằng nhũ vàng, chị Thanh Ngọc mẹ Hà Linh đặt tượng Bác ở vị trí trang trọng ngoài phòng khách, chị muốn các con phấn đấu, rèn luyện theo vị Bác Hồ. Những người ba mẹ, ông bà trong đại gia đình ấy thường hằng dạy con cháu mình nề nếp gia phong, trân trọng những tinh hoa kinh điển, truyền thống nhưng biết tư duy hiện đại, sẻ chia khó khăn với mọi người, tích cực bảo vệ môi trường và sống xanh - sạch trong thói quen sinh hoạt lẫn ý nghĩ về những thang bậc giá trị đời sống.

Ở đại gia đình là Hà Linh, thiên lương và trí thức văn hóa được rèn giũa như nền tảng căn bản. Và đó là nét thú vị về cô thủ khoa 15 tuổi cá tính, hơn là liệt kê thành tích học tập bởi thành tích không phải lúc nào cũng thật và đủ, phản ánh tư duy trình độ con người.

"Tất cả những kỉ niệm như một đoạn phim bị kẹt hình mà chỉ khi con người ta xa mới có thể thấy rõ, cứ hiện dần lên trong tâm trí tôi. Ngoảnh mặt lại đằng sau, bởi một sức mạnh vô hình nào đó, tôi đã gặp anh. Yêu thương là một cuộc hành trình dù đích đến là gì thì nó cũng là một hàng trình đáng nhớ. Mối tình đầu cũng vậy... mỗi người bước đi và không ngừng bước tiếp...

Trong khi bào hát truyền thống của Trường Hà Nội - Amstecdam vẫn vang vọng, trong khi buổi đại lễ vẫn rộn rã, tưng bừng, trong khi bao người vẫn đang cười nói vui vẻ, có hai đôi mắt vẫn nhìn nhau như để trao nhau những cảm xúc chưa trọn vẹn của năm tháng thanh xuân, như để gửi lại nhau mảng kí ức vụn vặt vẫn còn hiện hữu trong thâm tâm, như để tìm lại những cảm giác đã mất".

Lời phê của cô giáo: "Đọc đến trang 33 này, cô cứ ngỡ con đã là người lớn, Hà Linh ạ".

Nhận xét của nhà thơ Vi Thùy Linh: "Tôi chưa đọc một bài viết của học sinh phổ thông nào viết được sâu sắc, câu văn đa tầng và nhịp điệu được như thế này.Mừng em được thủ khoa, nhiều người đã nói, còn tôi, cho mình quyền tưởng tượng và tin có Hà Linh đồng hành trên hành trình văn chương khổ ải và hạnh phúc!"

Khánh Hiển

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/314678/thu-khoa-ha-linh-yeu-hoa-thich-van-muon-tro-thanh-nguoi-van-hoa.html