Thư mời viết tham luận hội thảo Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng gửi đến các nhà báo, nhà khoa học, nhà quản lý Thư mời viết tham luận Hội thảo 'Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0'

THƯ MỜI VIẾT THAM LUẬN HỘI THẢO
“BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH BHXH, BHYT
TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0”

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong qua trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Đây không những là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, mà còn là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững ở mọi quốc gia hiện nay. Đây vừa là mục tiêu, vừa là kết quả để thực hiện các cải cách, chiến lược phát triển kinh tế.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Nghị quyết yêu cầu thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 giúp nước ta tiếp cận nhanh chóng với các thành tựu cách mạng sản xuất mới, tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại, cũng tiềm ẩn nhiều nguy thách thức với người lao động: những công việc mang tính chất lặp đi, lặp lại của con người sẽ bị thay thế bằng máy móc; quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng do sự thay đổi về bản chất của quan hệ lao động khi ứng dụng công nghệ mới; và bị phân biệt đối xử bất bình đẳng trong xã hội giữa lao động có kỹ năng cao và lao động có kỹ năng thấp, giữa ông chủ sở hữu máy móc và người lao động… Do đó, việc hoàn thiện và đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân, người lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động làm thay đổi quy trình tác nghiệp báo chí. Khi robot, trí thông minh nhân tạo đang dần đảm nhận công việc viết tin bài của phóng viên, nhà báo; buộc báo chí phải thay đổi để thích nghi với sự phát triển tất yếu, đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT. Thời gian qua, công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT và BHTN đôi lúc chưa thực sự hiệu quả; cách thức truyền thông chưa thực sự hấp dẫn, sáng tạo; vẫn chưa có nhiều bài viết phân tích chuyên sâu về nguyên nhân và chỉ ra những hạn chế, tiêu cực trong thực thi chính sách BHXH, BHYT. Một số tin bài phản ánh trên báo chí chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt; vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí còn một số bất cập khiến một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH dẫn đến tình trạng ý thức tham gia bảo hiểm chưa đầy đủ và thiếu tính tự nguyện cao…

Việc tập trung đánh giá khách quan, đầy đủ và toàn diện những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tác nghiệp, để sáng tạo những tác phẩm báo chí hấp dẫn, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT là hết sức cần thiết, đặc biệt trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Được sự đồng ý của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tạp chí Người Làm Báo tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”

Thời gian: Ngày 31/10/2018

Địa điểm: Tầng 3, Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, Lô E2 đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Để Hội thảo được tổ chức thành công, Ban Tổ chức kính mời ông/ bà viết tham luận theo một hoặc vài chủ đề chính dưới đây:

1.Những vấn đề chung về lý luận và nghiệp vụ

- Vai trò của BHXH, BHYT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; những đóng góp chính của BHXH Việt Nam thời gian qua kể cả khó khăn và thuận lợi; Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động như thế nào đến người lao động;

- Mối quan hệ giữa Báo chí với các vấn đề BHXH, BHYT;

- Tính khách quan, chân thực và tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin tin liên quan đến BHXH, BHYT và BHTN;

- Phân tích rõ lợi thế và khó khăn của báo chí trong việc tiếp cận thông tin, trách nhiệm cung cấp thông tin của các đơn vị chức năng trong ngành BHXH;

- Vấn đề minh bạch hóa thông tin đối với công tác phản biện xã hội liên quan đến các hạn chế, tiêu cực về trục lợi BHXH, BHYT hiện nay;

- Đánh giá thực trạng thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí, làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế;

- Vấn đề trốn đóng BHYT, BHXH và BHTN cho người lao động hay tình trạng trục lợi quỹ BHYT, khi các hành vi trốn đóng BHXH, BHYT và BHTN đã được quy định rõ trong Luật Hình sự 2015;

- Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, áp dụng KHKT của ngành BHXH trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0;

2. Thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn tác nghiệp báo chí trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0

- Những bất cập, sai sót thường gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại của việc thông tin sai sự thật, thiếu khách quan trong lĩnh vực BHXH, BHYT;

- Trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng ngành BHXH cho báo chí trong các vấn đề liên quan;

- Cảnh báo về các cách thức gian lận, các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT;

- Những vấn đề tồn tại của cơ chế, chính sách làm hạn chế vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong việc phản ánh và tiếp cận thông tin ngành BHXH nói riêng, lĩnh vực an sinh xã hội nói chung;

- Đánh giá, phân tích thực tiễn, gồm những thuận lợi và khó khăn, bất cập trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng chính sách, kết quả tổ chức thực hiện, để rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị những giải pháp hoàn thiện chính sách này trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhất là trong việc quán triệt NQ số 28/TW mà Hội nghị TW 7 vừa thông qua.

3. Một số giải pháp, kiến nghị

- Xây dựng, đề xuất những nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra;

- Phản ánh thực trạng, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp đối với những hạn chế, bất cập trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các địa phương…, giúp các cơ quan chức năng có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, khẳng định vai trò của ngành BHXH Việt Nam nhằm bảo vệ người lao động, người dân trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0;

- Đề xuất quy trình xử lý thông tin về các vấn đề “nóng”, “nhạy cảm” liên quan đến BHXH, BHYT, giúp các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý kịp thời;

- Một số vấn đề trong quan hệ phối hợp, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về BHXH, BHYT;

- Vai trò, vị trí của doanh nghiệp đối với vấn đề an sinh xã hội; Sự đồng hành của báo chí với doanh nghiệp trong các hoạt động an sinh xã hội hiện nay.

Lưu ý: Thời hạn nộp bài tham luận: Trước ngày 20/10/2018

- Bài viết ghi rõ tên tác giả, đơn vị công tác, số điện thoại liên hệ;

- Bài viết có độ dài từ 1.500 đến 4.000 chữ trên font Time New Roman

-Điện thoại liên hệ: Nhà báo Nam Dương :0936.913.689/ Nhà báo Kim Dung: 0983.044.076

- Email: cuongpham6666@gmail.com

- Tạp chí điện tử: www.nguoilambao.vn/ www.lambao.com.vn

BAN TỔ CHỨC

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bao-chi-truyen-thong-chinh-sach-bhxh-bhyt-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40-n10861.html