Thu ngân sách 2018 trông vào nhà đất và dầu thô

Dù vậy, thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi tới đại biểu Quốc họp về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Về cân đối ngân sách Nhà nước, báo Dân trí dẫn báo cáo cho biết, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 là 204 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,67% GDP ước thực hiện, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội đã quyết định 204 nghìn tỷ đồng (3,7% GDP).

Theo Kiểm toán Nhà nước, bội chi ngân sách Nhà nước có thể giảm nếu Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2018 phù hợp với khả năng giải ngân đạt 88,2% dự toán (vốn ngoài nước chỉ đạt 78% dự toán).

Theo dự kiến kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018 của Chính phủ, thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt khoảng 1.358,4 nghìn tỷ đồng, vượt 39,2 nghìn tỷ đồng (tăng 3% so với dự toán) và tăng 5,5% so với thực hiện năm 2017.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm Chính phủ tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây (quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán).

Dầu thô đóng góp lớn vào thu ngân sách 2018

Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng), trong khi thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5USD/50USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.

Nguồn thu từ 3 khu vực không đạt dự toán bao gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng); thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, qua số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của các địa phương gửi Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn (đáng chú ý có TP.HCM, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp, năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao).

Qua kiểm toán cho thấy, tình trạng phổ biến kê khai thuế không đầy đủ; nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước còn chưa nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước 516 tỷ đồng; việc quản lý phần thu từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên việc xác định do các địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế và làm thất thoát NSNN, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi 3.856 tỷ đồng.

Về chi ngân sách ước thực hiện cả năm 1.562,4 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2 nghìn tỷ đồng (2,6%) so với dự toán. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, chất lượng công tác lập dự toán năm 2018 còn hạn chế, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm, phân bổ kế hoạch vốn không bảo đảm thứ tự ưu tiên; chưa đủ điều kiện theo quy định, đặc biệt phân bổ vốn cho 01 dự án 500 tỷ đồng khi chưa có quyết định đầu tư; không đúng đối tượng dự án hỗ trợ cho 1 dự án 27 tỷ đồng, phân bổ vượt mức hỗ trợ cho 01 dự án 40 tỷ đồng. Một số địa phương còn phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư công.

Trước đó, ngày 9/10, tại phiên họp toàn thể lần thứ 29, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đã cho ý kiến thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018 có nhiều thuận lợi nhưng kết quả thu ngân sách chưa tương xứng trong khi đó dự toán thu nội địa giao năm 2018 cao so với năm 2017.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, đây là vấn đề bất cập đã được Ủy ban báo cáo với các Quốc hội các năm trước, đề nghị Chính phủ phân tích kỹ lưỡng rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực hiện, xây dựng dự toán trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá tổng thể các yếu tố làm giảm khả năng đóng góp cho thu ngân sách của các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra thanh tra thuế hàng năm, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, ngăn ngừa kê khai gian lận, chuyển giá, trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại…

Về chi ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, về cơ bản Chính phủ đã điều hành bám sát dự toán, quản lý ngân sách theo kết quả, ngày càng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giao nhiệm vụ chi, kiểm soát chi thường xuyên, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên qua giám sát, Thường trực Ủy ban nhận thấy một số vấn đề nổi lên như tính trạng chuyển nguồn lớn; nhiều nhiệm vụ chi chưa bố trí được nguồn lực; việc thực hiện một số chính sách chi an sinh xã hội chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu yêu cầu đề ra. Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ chi thường xuyên còn cao. Quản lý nguồn thu từ việc khai thác tài sản công còn lỏng lẻo hiệu quả thấp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương còn chưa thực chất, hình thức…

Minh Thái(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/thu-ngan-sach-2018-trong-vao-nha-dat-va-dau-tho-3367293/