Thu ngân sách nhà nước qua kho bạc: Tỷ trọng thu bằng tiền mặt chỉ còn 0,35%

Kết năm 2021, tỷ trọng thu bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước chỉ còn 0,35% trên tổng số thu ngân sách nhà nước. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước trong thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, theo định hướng của Chính phủ cũng như hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới kho bạc số.

Mở rộng phối hợp thu với các ngân hàng thương mại

Trong nhiều năm gần đây, việc thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đã thuận lợi rất nhiều. Người nộp NSNN có thể đăng nhập và thanh toán tiền trên hệ thống nộp thuế điện tử của cơ quan quản lý thu thuế hoặc ứng dụng thanh toán điện tử của ngân hàng; từ đó đã giảm thiểu và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nộp NSNN. Thời gian thực hiện giao dịch nộp NSNN chỉ còn khoảng 5 phút cho 1 giao dịch (trước đây là khoảng 30 phút).

Bên cạnh đó, người nộp NSNN có thể thực hiện ngoài giờ hành chính, vào ngày nghỉ hoặc nộp 24/7 qua các dịch vụ thanh toán của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM)… Đặc biệt, người nộp NSNN được lựa chọn dịch vụ thanh toán hiện đại, đa dạng như thực hiện nộp qua cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế; qua dịch vụ thanh toán điện tử của NHTM, như: ATM, Internetbanking, Mobile banking, POS, hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh (đối với một số khoản thu NSNN như thu phạt giao thông, một số khoản phí, lệ phí). Đồng thời, các tổ chức, cá nhân giảm được phí thanh toán khi nộp tại các NHTM có tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Để có được sự thuận lợi này, từ rất nhiều năm trước, KBNN đã xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM tổ chức triển khai công tác phối hợp thu NSNN. Đến hết quý III/2014, KBNN đã chính thức triển khai diện rộng và đi vào vận hành hệ thống phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) trên toàn quốc với 4 hệ thống NHTM (BIDV, Vietinbank, Agribank và Vietcombank) cho tổng số hơn 700 KBNN cấp huyện trong hệ thống và Sở giao dịch KBNN.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Thế Dương

Đến năm 2018, KBNN đã cơ bản hoàn thành việc thiết lập hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, hiện đại hóa hoạt động thanh toán KBNN và mở rộng việc phối hợp thu, TTSPĐT với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Theo đó, thời gian này, toàn hệ thống KBNN có gần 670 tài khoản thanh toán và gần 1.100 tài khoản chuyên thu đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong việc nộp NSNN.

Không dừng lại ở đó, trong năm 2020 - 2021, KBNN đã trình Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng phối hợp thu NSNN và TTSPĐT với các NHTM cổ phần. Như vậy, ngoài 5 hệ thống NHTM đã thực hiện phối hợp thu trước đó, đến nay, KBNN đã mở rộng phối hợp thu NSNN với 10 NHTM nữa, đó là: SHB, VPBank, Techcombank, SeABank, HDBank, LienVietPostBank, OCB, MSB, TPBank và ACB. Trong đó, số lượng tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu là trên 2.000 tài khoản. Qua thống kê từ KBNN, tổng số thu NSNN trực tiếp qua 15 NHTM trong năm 2021 là trên 22 triệu món, với tổng số tiền đạt gần 1.600.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 87,5% tổng số thu NSNN năm 2021.

Quy trình thu, tổ chức phối hợp thu NSNN và TTSPĐT với NHTM đã giúp KBNN tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu của NSNN vào KBNN. Đồng thời, toàn bộ số tiền thu được trong ngày đều được tập trung vào tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày làm việc, trừ các khoản thu phát sinh sau giờ tạm ngừng truyền/nhận chứng từ thanh toán giữa KBNN và hệ thống ngân hàng.

Thông qua việc ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các NHTM vừa giúp KBNN thực hiện được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ, vừa giảm thiểu được khối lượng công việc liên quan đến tổ chức thu NSNN bằng tiền mặt cho KBNN.

Tiến tới chỉ còn 1 tài khoản tập trung duy nhất tại mỗi ngân hàng

KBNN cho biết thời gian tới, công tác phối hợp thu NSNN và TTSPĐT với các NHTM tiếp tục hướng tới giảm thủ tục hành chính để gia tăng thêm tiện ích, vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế vừa đảm bảo tập trung nguồn thu NSNN kịp thời, hiệu quả; đồng thời phù hợp với định hướng hoàn thiện mô hình tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cải tiến quy trình phối hợp thu đi vào nề nếp

Thời gian tới, công tác ủy nhiệm thu sẽ được Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục mở rộng với các ngân hàng thương mại (NHTM) phối hợp thu trên từng địa bàn. Theo đó, KBNN, cơ quan thuế, hải quan và các NHTM sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục trong quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) để phát hiện những thủ tục không hợp lý, cải tiến theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Trao đổi thông tin kịp thời trong việc giải quyết mọi vướng mắc để việc thực hiện quy chế phối hợp thu NSNN đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan thuế, KBNN, các NHTM và người nộp thuế.

Theo đó, tại mỗi hệ thống NHTM chỉ có duy nhất 1 tài khoản và cuối ngày, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước. Việc hoàn thiện mô hình tài khoản thanh toán tập trung này sẽ đảm bảo tập trung nhanh, đầy đủ ngân quỹ nhà nước về KBNN trung ương hơn so với mô hình KBNN mở nhiều tài khoản tại mỗi hệ thống NHTM như hiện nay, góp phần nâng cao khả năng thanh khoản của hệ thống KBNN. Đồng thời, quy trình thanh toán, đối chiếu, quyết toán thu, chi ngân quỹ nhà nước được đơn giản, giảm bớt thời gian và công sức cho cán bộ KBNN và hệ thống NHTM cũng như mở rộng khả năng kết nối hệ thống thanh toán của KBNN với nhiều hệ thống NHTM, nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng dịch vụ thanh toán của các NHTM.

Ngoài ra, với một tài khoản duy nhất của KBNN tại mỗi hệ thống NHTM còn giúp đảm bảo tính tương đồng trong quy trình thanh toán của KBNN với Ngân hàng Nhà nước và với NHTM, tạo thuận lợi cho công tác quản trị, vận hành hệ thống thanh toán của KBNN...

Kho bạc Nhà nước các địa phương phối hợp thu ngân sách hiệu quả

Thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt tại trụ sở KBNN, các đơn vị KBNN đã thực hiện rất tốt công tác phối hợp thu NSNN với các NHTM.

Đơn cử như KBNN Khánh Hòa đã mở rộng ủy nhiệm thu và phối hợp thu NSNN với 8 chi nhánh NHTM cổ phần trên địa bàn gồm: Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank Khánh Hòa, MB, SeABank, SHB và LienVietPostBank. Bên cạnh đó, để tập trung nhanh nguồn thu, KBNN Khánh Hòa đã thực hiện mở tài khoản thanh toán ngoại tệ USD tại Vietcombank Khánh Hòa; bổ sung thu qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; thu qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh; triển khai diện rộng truyền nhận thông tin hoàn trả NSNN điện tử giữa cơ quan thuế và KBNN. Nhờ đó, mạng lưới tài khoản chuyên thu từng bước được mở rộng, đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong thu NSNN, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp, theo dõi thông tin nộp NSNN trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và giảm thiểu chi phí tổ chức thu NSNN…

Tại KBNN Tuyên Quang, đến nay đã mở 7 tài khoản thanh toán, 29 tài khoản chuyên thu với 5 hệ thống NHTM (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, MB). Đến nay, số thu qua NHTM chiếm 97,8% tổng số thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-qua-kho-bac-ty-trong-thu-bang-tien-mat-chi-con-035-109029.html