Thu ngân sách vẫn nhờ 'bầu sữa' tài nguyên

Dù tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm ước thực hiện vượt dự toán nhưng cơ cấu thu ngân sách chưa thực sự bền vững, đó là vấn đề đã được các cơ quan quản lý như Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra. Theo đó, thu ngân sách vẫn dựa quá nhiều vào 'bầu sữa' tài nguyên gồm đất và dầu thô.

Thu từ sản xuất, kinh doanh đạt thấp

Báo cáo về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN năm 2019 và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019 của KTNN mới đây cho thấy: Tổng thu cân đối NSNN cả năm Chính phủ ước thực hiện vượt 39,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3% dự toán. Đây là mức thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây theo KTNN. Đáng chú ý, số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô. Cụ thể, thu từ nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng), trong khi thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5USD/50USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450.000 tấn.

Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán từ dầu thô tăng 53,2%. Trong ảnh: Kiểm tra thiết bị ống dẫn dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Hùng Huy

Đáng quan tâm nhất là các nguồn thu mang tính bền vững như thu từ khu vực DNNN, DN FDI, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh lại không đạt dự toán. Theo đó, thu từ khu vực DNNN giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng); thu từ khu vực DN FDI giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng). Tỷ lệ huy động từ thuế, phí chiếm 20,7% GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra 21% GDP. 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn. Nhiều địa phương có số thu lớn như TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc… ước hụt thu 2 năm liên tiếp.

Tính đến hết tháng 9/2018, các khoản thu về nhà, đất đạt 104,4% dự toán; thu từ khu vực DNNN đạt 65,3% dự toán, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,8% dự toán, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 68,7% dự toán. Đáng nói, thu NSNN ở nhiều địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công, trong đó đặc biệt là bán quyền sử dụng đất.

Cũng chỉ ra vấn đề về cấu trúc thu ngân sách chưa thực sự bền vững, báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, thu NSNN còn phụ thuộc vào khoản thu không bền vững như thu từ dầu thô. Trong dài hạn, thu dầu thô cũng không bền vững do giới hạn về trữ lượng khai thác. Bên cạnh đó, việc tăng thu nội địa lại chủ yếu đến từ các khoản thu có tính bền vững không cao như thu từ nhà, đất. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp so với dự toán.
Giải ngân chi đầu tư phát triển chậm
Về chi ngân sách, theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, tổng chi năm 2018 khoảng 1,562 triệu tỷ đồng, tăng 39.200 tỷ đồng so với dự toán. Trong số này, chi đầu tư phát triển ước thực hiện cả năm trên 418.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với dự toán, chi thường xuyên ước thực hiện 952.900 tỷ đồng, tăng 1,3% so với dự toán.
Riêng chi đầu tư phát triển, KTNN chỉ ra, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm, 9 tháng mới đạt 50,9% dự toán, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Việc thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ) những tháng đầu năm chậm. Số vốn giải ngân 9 tháng với vốn trong nước đạt 55,1% trong khi vốn ngoài nước chỉ đạt 27,3% dự toán. Đặc biệt, nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung (thấp hơn 50% dự toán).
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa, kết hợp mở rộng cơ sở thuế từ đó tăng cường nguồn thu từ sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN.

Nha Trang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-ngan-sach-van-nho-bau-sua-tai-nguyen-327621.html