Thử nghiệm mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đẩy nhanh việc thử nghiệm sáng kiến 'mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số' là nhiệm vụ cấp thiết trong chuyển đổi số hợp tác xã, kinh tế hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.

Sáng 23/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022.

Diễn đàn nhằm nhận diện những khó khăn, thách thức chính đặt ra cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) khi thực hiện chuyển đổi số và gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong những năm qua đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp không nhỏ vào xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này còn có sức cạnh tranh hạn chế và có nguy cơ bị tụt hậu, gia tăng khoảng cách với nhóm dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

“Thông điệp quan trọng của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thay đổi tư duy nhận thức và hành động. Từ đó, thay đổi phương thức hoạt động, quản lý gắn với chuyển đổi số, tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu và tăng nguồn lực cho sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đẩy nhanh thử nghiệm triển khai sáng kiến ‘mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số’ với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Sự thay đổi này giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội.

Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.

“Phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng khẳng định.

Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".

"Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Diễn đàn được tổ chức lần này để cùng đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng. Đồng thời nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nội dung thảo luận như phân tích cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng. Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề xuất giải pháp (đặc biệt là giải pháp thể chế, chính sách) và các giải pháp cụ thể, gắn với từng bộ, ngành cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Các Bộ/ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người dân.

Sau Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó, 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2.293 HTX thương mại - dịch vụ, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và 694 HTX khác).

Phân bổ theo các vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có 7.085 HTX (25,09%), Đông Bắc có 5.048 HTX (17,88%), Bắc Trung Bộ có 4.178 HTX (14,8%), Đồng bằng sông Cửu Long có 3.296 HTX (11,67%), Tây Bắc có 2.934 (10,39%), Đông Nam Bộ có 2.209 (7,82%), Tây Nguyên có 1.881 HTX (6,66%), Duyên hải miền Trung có 1.606 HTX (5,69%). Cả nước có 130.760 tổ hợp tác, 120 liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.

Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-nghiem-moi-hop-tac-xa-la-mot-doanh-nghiep-ung-dung-cong-nghe-so-post11737.html