Thử nghiệm phải có người xem

Sân khấu cả nước đang đứng trước thách thức lớn, nếu không thử nghiệm nhiều hình thức sáng tạo, khán giả sẽ quay lưng

Sân khấu Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội Sân khấu quốc tế (ITI - thuộc Tổ chức UNESCO) cách đây 12 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực sự hội nhập khi các vở diễn vẫn sử dụng những tích tuồng xưa cũ. Năm 2016, Việt Nam đăng cai tổ chức Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 3 tại Hà Nội, 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài sẽ tham dự, TP HCM có 2 đơn vị tham gia tranh tài. Kỳ vọng điều gì về sự đổi mới thật sự để sân khấu Việt Nam có đủ lực hội nhập với sân khấu trong khu vực?

Hình thức biểu diễn là cứu cánh

Nhiều tháng qua, giới làm nghề sân khấu Việt Nam đã dồn hết tâm trí cho việc chuẩn bị tham gia sự kiện mang tầm quốc tế. “Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần III-2016” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh, thành tổ chức trong tháng 11 tới. Đây là cơ hội cho những đạo diễn trẻ được giao lưu, tiếp cận các trào lưu sân khấu thế giới đương đại nhằm nỗ lực hết mình thúc đẩy sự phát triển của sàn diễn trong nước.

Cảnh trong vở kịch thử nghiệm “Giấc mơ” của đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng Ảnh: THẢO VÂN

NSND Kim Cương nhận định lịch sử sân khấu thế giới cũng như ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ sự thúc đẩy của xã hội. Sàn diễn các nước cũng thay đổi với nhiều loại hình diễn xướng từ sân khấu dân gian truyền thống mang bản sắc của từng dân tộc, của từng quốc gia đến sự giao thoa để tạo ra những loại hình sân khấu mang màu sắc chung toàn cầu. “Tôi vừa sang Pháp, Mỹ được xem và hiểu, những phạm trù “toàn cầu hóa”, “hội nhập”, “đối thoại với các nền văn minh”… nay đã trở thành xu hướng chung của sân khấu thế giới và quan trọng là hình thức biểu diễn” - NSND Kim Cương chia sẻ.

Sân khấu trong nước qua các đợt liên hoan thể nghiệm quốc tế đã có nhiều thay đổi. Không chỉ dựa trên nền tảng cũ, nhiều hình thức như: kịch hình thể, kịch Broadway, kịch đồng hiện, kịch giả tưởng, kịch cà phê, kịch kinh dị, kịch trinh thám, kịch hiện thực tâm lý xã hội, kịch nghệ thuật sắp đặt, kịch ứng biến không cần kịch bản, kịch tương tác với khán giả, kịch đường phố… đã vào Hà Nội và TP HCM. Sân khấu TP HCM đã rất thành công với thử nghiệm phong cách kịch Broadway qua các vở: “Chicago”, “High School Musical”, “Broadway in Saigon” và “Tấm Cám Musical” của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy.

“Hội nhập quốc tế đã làm thay đổi tư duy, sáng tạo nền nghệ thuật toàn cầu hóa, đồng thời mang đến cơ hội thách thức nghệ sĩ. Tôi cho đó là cứu cánh của sân khấu hiện nay” - đạo diễn Lê Nguyên Đạt, người đang dựng vở “Mê Đê” để tranh tài lần này, nói.

Hướng đến công chúng

Không ít lần những dự án thử nghiệm tâm huyết của sân khấu TP HCM được thắp lên rồi bị thổi tắt. Nguyên nhân vẫn là thiếu sân khấu đúng chuẩn cho việc thử nghiệm.

Sự thử nghiệm dành cho sân khấu không chỉ được chú trọng ở hình thức dàn dựng, biểu diễn mà còn xoáy sâu vào nội dung kịch bản. Thành tựu của sân khấu TP HCM chính là hoạt động thử nghiệm ở giai đoạn đầu hình thành của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM hôm nay. “Kết quả đạt được từ việc thử nghiệm tại 5B đã minh chứng một tiềm năng rất lớn của đội ngũ những người làm sân khấu của TP lúc bấy giờ. Từ hiệu quả đó, chúng tôi đã kế thừa để hướng tới công chúng. Vở “Giấc mơ” của tác giả Nguyễn Đình Thi do Thái Kim Tùng dàn dựng sẽ tham dự liên hoan năm nay, hứa hẹn là một công trình thử nghiệm mà chúng tôi hướng đến công chúng trẻ” - NSƯT Mỹ Uyên, quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, thổ lộ.

Vở “Giấc mơ” mang yếu tố thử nghiệm xoay quanh câu chuyện về một người lính tử trận nhưng vẫn kiên quyết chống lại quy luật của tử thần. “Giấc mơ” mang hình thức biểu diễn đa chiều trong không gian mở, mang lại cho người xem nhiều trải nghiệm thú vị. Vở “Mê Đê” của đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng dựa vào hình thức mới nhằm đạt đến cảm xúc chân thật.

Khẳng định việc sân khấu TP HCM phải liên tục thử nghiệm để hướng đến việc làm giàu hình thức, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho rằng: “Người làm sân khấu luôn đặt mình trong tư thế thử nghiệm nhưng sân khấu chúng ta quá nghèo nàn. Bao năm nay vẫn chỉ có một hình thức biểu đạt, bài trí cũ. Thử nghiệm là hướng tới cách biểu đạt mới nhưng phải có khán giả xem. Nếu không theo chuẩn mực này thì vài năm nữa sàn diễn sẽ bị khán giả quay lưng. Cơ quan quản lý cần phải hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cho các đạo diễn, tác giả, diễn viên đi xem để giao lưu, học hỏi. Chúng ta không có điều kiện ra nước ngoài xem thì đây là dịp sân khấu các nước như: Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, Pháp, Hy Lạp… đến Hà Nội biểu diễn, chúng ta phải cọ xát thực tế để nâng cao nghề nghiệp và tiếp cận sự thử nghiệm của sân khấu quốc tế”.

Trên thực tế, sân khấu Việt chưa có sự đầu tư cho vở diễn tương xứng thì nên mạnh dạn loại bỏ, chỉ chọn đúng tác phẩm thực sự đủ tầm cao của việc thử nghiệm. Đừng để đứng cùng sân khấu với bạn bè quốc tế, chúng ta vẫn mãi ngượng ngùng về tác phẩm dự thi. Điều đáng buồn hơn là sau khi tổ chức liên hoan, đến nay rất ít vở diễn tham gia được đưa đến công chúng, phần nhiều vẫn bị cất vào kho. Đó là sự phí phạm và có lỗi với công chúng.

Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/thu-nghiem-phai-co-nguoi-xem-20160913215426361.htm