Thu nhập bấp bênh, người lao động dễ trầm cảm

Tạo môi trường làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đã được quy định tại nhiều Luật nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng vấn đề này.

Căng thẳng nghề nghiệp kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của người lao động.

Khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp đối với nhân viên trong ngành công nghệ thông tin cho thấy, có 38,5% lao động bị stress nghề nghiệp. Đáng chú ý, năm 2022, Phân viện Khoa học an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, qua những lần Tổng Liên đoàn khảo sát và thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học đều đặt ra những vấn đề rất lớn về môi trường và điều kiện làm việc hiện nay. Vẫn còn tỷ lệ khá lớn người lao động (NLĐ) chưa hài lòng với môi trường và điều kiện lao động thực tế. Về mối quan hệ lao động thì nhiều nơi chưa thực sự hài hòa, nhiều chủ sử dụng lao động chưa coi NLĐ là vốn quý nhất của công ty; chưa biến họ thành nhân vật trung tâm để kiến tạo sự phát triển của DN.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến stress nghề nghiệp với NLĐ trong môi trường kinh tế số, TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động cho biết, cuộc sống và môi trường làm việc hiện đại ngày nay với hàng loạt các vấn đề về môi trường, khí hậu, sức khỏe, an toàn thực phẩm… và đặc biệt là áp lực công việc, dẫn đến con người dễ bị stress (căng thẳng), rối loạn lo âu. Căng thẳng là căn bệnh "thời đại" mà ngày càng nhiều người phải đối mặt, nhất là NLĐ làm việc với cường độ cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hậu quả của căng thẳng nghề nghiệp kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của con người. "Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần là do họ phải làm việc quá giờ, công việc nặng nhọc, mức lương không thỏa đáng, căng thẳng tâm lý, công việc có nguy cơ bị tai nạn" - ông Thơ nói.

Để phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc, ông Nguyễn Khánh Long - Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động (Cục An toàn lao động) cho rằng, cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về an toàn vệ sinh lao động; làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu hướng chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho DN và NLĐ. Đối với DN, cần tổ chức việc đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động làm căn cứ thực hiện các chính sách, chế độ đối với NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng công đoàn trong DN nên định kỳ phối hợp với người sử dụng lao động khảo sát thực trạng căng thẳng ở NLĐ, qua đó nêu ý kiến với người sử dụng lao động có giải pháp can thiệp, giảm thiểu. Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý tại nơi làm việc cho NLĐ cần được quan tâm hơn. Công đoàn phối hợp với DN tổ chức các chương trình thư giãn cho NLĐ như văn nghệ, thể thao, thành lập các nhóm tư vấn; trước khi NLĐ vào làm việc có thể yêu cầu trả lời các câu hỏi đánh giá sức khỏe tâm thần...

Cho rằng việc tạo không gian làm việc an toàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với NLĐ, song theo ông Ngọ Duy Hiểu, vấn đề cốt lõi chính là đảm bảo mức sống, tăng thu nhập cho NLĐ. Ông Hiểu cho biết, hàng năm NLĐ được tăng lương tối thiểu nhưng việc tăng lương này có đáp ứng mức sống tối thiểu hay không thì lại là chuyện khác. “Quá trình khảo sát, tiếp cận, có tới 30 đến 40% NLĐ nói rằng mức lương không đủ sống. Vì thế cần thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu hướng tới đảm bảo lương đủ sống cho NLĐ. Để NLĐ giảm căng thẳng tại nơi làm việc thì cần giải pháp tổng thể, toàn diện, đặc biệt là vai trò của tổ chức công đoàn; chính sách phải đi từ gốc để giải quyết các vấn đề; có các giải pháp cho nhiều chủ thể cùng thực hiện” - ông Hiểu nói.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thu-nhap-bap-benh-nguoi-lao-dong-de-tram-cam-5718339.html