Thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hình thức hợp tác kinh doanh hiện nay được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, việc xác định thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo đúng quy định không phải doanh nghiệp, cá nhân nào cũng nắm rõ để thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hình thức hợp tác kinh doanh thường hay được các doanh nghiệp sử dụng và là một hình thức gọi vốn, chia sẻ cơ hội cũng như chia sẻ rủi ro một cách hữu hiệu và phù hợp với quy định của pháp luật.

Hình thức hợp tác kinh doanh là cá nhân sử dụng tài sản thuộc sở hữu của cá nhân để đầu tư hợp tác kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp, thực hiện phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Hình thức đầu tư này giúp doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ lẫn nhau, tiết kiệm chi phí mà các bên tham gia lại được lựa chọn phương án góp vốn, phương án phân chia kết quả đầu tư kinh doanh sao cho phù hợp, linh hoạt.

Vậy hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định như thế nào? Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Điều 29 khoản 2 Luật đầu tư 2014 cũng quy định: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp”.

Theo quy định trên thì: Hợp đồng hợp tác kinh doanh là việc hợp tác giữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong kinh doanh nhằm phần chia lợi nhuận và sản phẩm; Không thành lập pháp nhân mới; Việc hợp tác này sẽ được triển khai kinh doanh trên một pháp nhân có sẵn của các bên hợp tác kinh doanh

Việc phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện như sau:

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng.

Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho từng bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mỗi bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của mình theo quy định hiện hành.

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng.

Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với cá nhân, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu cung cấp dịch vụ thì doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu doanh nghiệp được chia theo hợp đồng.

Đối với cá nhân thì cá nhân có mức doanh thu được chia từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Trường hợp cá nhân có mức doanh thu được chia từ trên 100 triệu đồng/năm trở xuống nhưng tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng kinh doanh từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định

Trường hợp doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với cá nhân, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, thực hiện phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho từng bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, không xác định được doanh thu kinh doanh thì cá nhân ủy quyền cho doanh nghiệp khai thuế và nộp thuế thay theo phương pháp khoán.

Doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

M. Trang

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/binh-luan-chinh-sach/thu-nhap-chiu-thue-tu-hoat-dong-kinh-doanh-duoi-hinh-thuc-hop-dong-hop-tac-kinh-doanh-321624.html