'Thu nhập tăng cao, đời sống người dân ổn định là kết quả đáng ghi nhận nhất'

Trải qua hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Huy Hậu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh về những kết quả này.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu.

- 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Quảng Ninh đã có những đổi thay tích cực, xin đồng chí chia sẻ thêm về nhận định này?

+ 10 năm là quãng thời gian không ngắn cũng không dài, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực và quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí. Sau 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm; các công trình hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đã và đang phục vụ ngày một tốt hơn cho việc sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn; cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, định hướng phát triển rõ vùng sản xuất, rõ sản phẩm.

Thực tế, nhiều địa phương có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp, song đã nỗ lực không ngừng và đạt kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như: Thanh Lâm, Minh Cầm (Ba Chẽ), Tình Húc (Bình Liêu)... là các xã thuộc diện ĐBKK, nhưng đã đạt chuẩn NTM; Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM từ năm 2015; Đông Triều là địa phương tiên phong trong phong trào xây dựng NTM, có xã Việt Dân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của Quảng Ninh.

- Theo đánh giá của đồng chí, kết quả nào đáng ghi nhận nhất sau 10 năm xây dựng NTM?

+ Mục tiêu trọng tâm của chương trình xây dựng NTM chính là hướng đến người dân vùng nông thôn. Vì vậy, thành quả lớn nhất sau 10 năm thực hiện chính là đời sống người dân ổn định, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng cao, từ 10,98 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, từ 7,68% (năm 2010) xuống còn 1% (năm 2019).

Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai sâu rộng, kịp thời, người dân đã có thêm động lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt, sự ra đời và triển khai mạnh mẽ của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), là cơ hội để người dân phát triển sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu. Đây cũng là chương trình được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra khắp cả nước.

Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ).

- Để đạt được những kết quả đó, cả hệ thống chính trị và xã hội đã vào cuộc. Vậy điểm khác biệt của Quảng Ninh trong việc kêu gọi chung sức xây dựng NTM là gì, thưa đồng chí?

+ Tinh thần chung sức của Quảng Ninh thể hiện ngay từ quan điểm chỉ đạo, ngay đầu nhiệm kỳ 2010-2015 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng NTM để tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở 111/111 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long) và thành lập Ban Chỉ đạo các cấp do đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban; Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí ủy viên phụ trách, chỉ đạo công việc của từng địa phương chứ không chỉ có trách nhiệm chung, chỉ đạo chung.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã vào cuộc bằng việc hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình NTM, cũng như ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn; người dân vào cuộc bằng tinh thần tự nguyện hiến đất, tham gia làm công trình hạ tầng, tự nguyện trong bắt tay với doanh nghiệp xây dựng những vùng sản xuất tập trung khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Điều đặc biệt nữa, đó là sự tham gia của lực lượng vũ trang trên địa bàn để xây dựng NTM, thể hiện sự quyết tâm và chung sức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh.

- Hành trình xây dựng NTM chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn 2. Vậy kế hoạch phát triển chương trình xây dựng NTM sau hành trình 10 năm thực hiện và giải pháp triển khai là gì, thưa đồng chí?

+ Kế hoạch phát triển của Quảng Ninh đến hết năm 2020 sẽ có ít nhất 90 xã đạt chuẩn xây dựng NTM; Có 6/13 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 100% xã đạt chuẩn NTM xây dựng NTM nâng cao, tiến đến xây dựng NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 43,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Sau giai đoạn này sẽ tập trung vào chương trình xây dựng NTM theo cách tiếp cận mới. Trong đó, các xã diện 135 tiếp tục lộ trình xây dựng NTM đang là việc khó và phải quyết tâm rất cao, đặc biệt là sự vào cuộc của người dân.

TX Quảng Yên đang dồn mọi nguồn lực để trở thành đơn vị cấp huyện về đích NTM.

Cùng với đó, phải tập trung phát triển sản xuất, sản phẩm ở mức độ cao hơn thông qua Chương trình OCOP gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng, miền, cũng như các vấn đề về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Coi việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vừa là chương trình vừa là cuộc vận động lớn của toàn xã hội.

Tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội theo hình thức hợp tác công - tư để thúc đẩy phát triển KT-XH vùng nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp xã đảm bảo đủ điều kiện điều hành công việc ở mức độ cao, kiểm soát và giữ vững được tình hình an ninh trật tự địa bàn cũng như quốc phòng trên tuyến biên giới.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Hoàng Quỳnh (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201909/hanh-trinh-10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-thu-nhap-tang-cao-doi-song-nguoi-dan-on-dinh-la-ket-qua-dang-ghi-nhan-nhat-2455003/