Thu nhập tăng cao, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rõ rệt

Theo Bộ Công Thương, thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua và dự kiến tiếp tục tăng nhanh do chính sách mở cửa thương mại và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Hiện người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng một hàng hóa nhất định, mà còn là những dịch vụ đi kèm với hàng hóa.

Nhu cầu tiêu dùng đã có thay đổi

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam bước vào giai đoạn hai của chiến lược phát triển kinh tế xã hội (2011 – 2020) trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô từng bước được ổn định vững chơn hơn so với giai đoạn 2011 – 2015. Kinh tế dần lấy lại được đà phục hồi, các cân đối vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kìm chế. Môi trường kinh doanh dần được cải thiện.

Cũng theo ông Đông, trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam dự báo ở mức khoảng 6,5% - 7%/năm. Với việc mở cửa thị trường, sự thâm nhập và tiếp cận thương mại trong nước của hàng hóa các nước Asean thông qua hệ thống phân phối, bán lẻ của các doanh nghiệp phân phối có vốn FDI, gây áp lực cạnh tranh lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước, trong khi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lại thiếu sức cạnh tranh, xuất khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng chế tác, với vai trò chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, với sự phát triển của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quy mô thị trường ngày một phát triển nhờ sự gia tăng thu nhập, chi tiêu của người tiêu dùng, lối sống hiện đại cùng mức sống cao hơn làm thay đổi thói quen tiêu dùng và tác động tổng thể tới thương mại trong nước thời gian tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với sự nổi lên của tầng lớn trung lưu kéo theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng đối với các sản phẩm có chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng một hàng hóa nhất định, mà còn là những dịch vụ đi kèm với hàng hóa”, ông Đông phân tích.

Đưa ra những dự báo về xu hướng thị trường tại Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết, thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua và dự kiến tiếp tục tăng nhanh do chính sách mở cửa thương mại và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Mức thu nhập bình quân đầu người sẽ ở mức từ 4.900 – 5.200 USD vào năm 2030 xấp xỉ với Thái Lan năm 2010 và Trung Quốc năm 2014. Thu nhập tăng sẽ dẫn tới việc gia tăng sức mua và thay đổi cơ cấu, phương thức tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, tỷ trọng chi tiêu cho các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm sẽ giảm mạnh, gia tăng chi tiêu cho nhà cửa, đi lại, giáo dục, giải trí, du lịch và nhà hàng. Thị hiếu tiêu dùng của nhóm dân số có mức thu nhập trung bình trở lên sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới thương mại trong nước. Đây là xu hướng đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi thu nhập và đời sống của người dân gia tăng.

3 phương án về tăng trưởng thương mại

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP thương mại – giá so sánh 2010 đạt 9,05%/năm. Trong giai đoạn 2015 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, nhờ xu hướng gia tăng tiêu dùng của dân cư, thương mại trong nước sẽ tiếp tục phát triển nhanh. GDP ngành thương mại vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và đóng góp lớn vào GDP của khu vực dịch vụ nói riêng và kinh tế nói chung.

Trên cơ sở dãy số liệu quá khứ và đánh giá xu hướng phát triển trong nước và thế giới, Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ra 3 phương án về tăng trưởng thương mại.

Phương án 1: Phù hợp với chỉ tiêu Kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thương mại đối với nội dung phát triển thương mại trong nước, ban hành theo Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18/12/2014. Theo đó, đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế đến năm 2015 chiếm 14%, tới năm 2020 khoảng 14,5 – 15%, tới năm 2020 khoảng 14,5 – 15%, tới năm 2030 khoảng 15,5 – 16%; tốc độ tăng trưởng của thương mại trong nước sẽ rất cao trong giai đoạn đầu (2018 – 2020) và giảm dần ở các giai đoạn sau.

Phương án 2: Dựa trên giả định tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn chứa đựng nhiều bất ổn tác động mạnh đến triển vọng phát triển thương mại và tiêu dùng trong nước trong giai đoạn 2018 – 2020. Tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước giai đoạn 2018 – 2020 đạt khoảng 8,62%/năm, tăng nhanh hơn ở giai đoạn 2021 – 2025 và giảm dần trong các giai đoạn sau nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài tác động tích cực tới thương mại trong nước.

Phương án 3: Dựa trên giả định tác động bất lợi ít hơn so với phương án 2 và các Hiệp định FTA thế hệ mới (EVFTA và CPTPP) sớm có hiệu lực và tác động ngay trong giai đoạn 2018 – 2020, tăng trưởng của ngành thương mại đồng đều hơn trong các giai đoạn, với tốc độ trên 8%/năm nhờ các giải pháp về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ phát huy quả giúp GDP tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Đến năm 2035 đạt mục tiêu thương mại trong nước chiếm khoảng 16,5% trong tổng GDP.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201812/thu-nhap-tang-cao-xu-huong-tieu-dung-dang-thay-doi-ro-ret-622388/