Thứ nhất là tu tại gia…

Một trong những mỹ tục truyền thống vào dịp đầu xuân năm mới là người dân Việt thường đi lễ chùa. Ở hầu khắp các làng quê Việt Nam, chùa là thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của con người. Khi nói về chùa chiền là nhắc đến một môi trường góp phần giáo dưỡng đạo đức, nhân cách con người.

Chùa có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần là vậy, nhưng trong quan niệm ứng xử của ông cha ta, tu ở chùa xếp sau cả vị trí tu ở nhà và tu ở chợ, như một câu ca dao đã nói: “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Chữ “tu” không chỉ mang ý nghĩa là tu chỉnh, sửa đổi những khuyết điểm, sai lầm để hoàn thiện tư cách bản thân mà còn mang hàm ý tự rèn luyện, giáo dưỡng, cải thiện phẩm chất cá nhân theo những giá trị tích cực, tiến bộ, phù hợp với chuẩn mực văn hóa cộng đồng và đạo đức xã hội.

Gia đình là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người từ thuở lọt lòng cho đến lúc cuối đời. Ngoại trừ một số ít người thích sống đơn thân, theo đuổi cách sống không cần vợ chồng và con cái, còn tuyệt đại đa số mọi người đều mong có một gia đình để làm “nơi muốn đến, chốn tìm về” trong suốt cuộc đời. Nhưng để xây dựng một tổ ấm thực sự, không ai khác, tự thân mỗi người phải “tu tại gia”, tức là tự mình phải chăm lo rèn tâm hay, luyện tính thiện, tự rũ bỏ những thói hư tật xấu để làm cho mình trở thành một thành viên tốt trong gia đình. “Tu tại gia” cũng được hiểu là mỗi người cần nhận thức đúng bổn phận, nghĩa vụ của mình để làm tròn “vai vế” như người xưa đã dạy: Với bậc sinh thành thì: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; với anh chị em trong nhà thì: “Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”; với vợ chồng thì giữ trọn tình nghĩa thủy chung, khoan dung: “Đốn cây ai nỡ đốn chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”; với con cái thì: “Uốn cây từ thuở còn non/ Dạy con từ thuở con còn bé thơ”…

Đối với mỗi con người, tuy “tu tại gia” rất cần thiết, song chưa đủ, mà còn phải “tu ở chợ” nữa. Chợ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa và giao lưu giữa con người với con người. Gia đình dù sao cũng là nơi quần tụ của số ít người có chung huyết thống, dễ nảy sinh tâm lý “con hát mẹ khen hay”, dễ "dĩ hòa vi quý" theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Nhưng khi ra đến chợ, nghĩa là đến chốn đông người với đủ thành phần trong xã hội thì người ta phải ứng xử, giải quyết nhiều mối quan hệ, nhiều tình huống ứng xử đa dạng, phức tạp hơn. Trong môi trường giao tiếp phong phú đó, ai khéo léo, khôn ngoan, tháo vát, đảm đang, tử tế là dễ bộc lộ tư cách nhất. Người xưa từng đúc rút kinh nghiệm: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Do vậy, “tu ở chợ”, nói rộng ra là rèn luyện, tu dưỡng tâm tính ở những môi trường xã hội phức tạp thì con người mới dễ trưởng thành, tiến bộ về nhân cách.

“Tu tại gia” hàm ý nhắc nhở, giáo dục con người phải biết sống có trách nhiệm với gia đình, tổ tiên, nguồn cội. “Tu chợ” muốn gửi tới thông điệp con người phải biết “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, biết ứng xử đúng mực ở chốn đông người và nơi công cộng. "Tu tại gia", tu chợ" là tu thân tích đức cả đời chứ không phải ngày một ngày hai là đủ. "Tu tại gia", "tu chợ", vì thế đòi hỏi kiên trì lắm, bền bỉ lắm, công phu lắm thì mới hy vọng trở thành một thành viên tốt của gia đình, một công dân hữu ích của xã hội.

Còn “tu chùa” đã có giáo lý, giáo luật thành bài bản, cứ thế mà học thuộc lòng, mà thấm nhuần để một ngày nào đó đắc đạo. Nói thế không có nghĩa là hạ thấp “tu chùa”, mà quá trình tu hành này các tăng ni phật tử cũng phải gian nan, khắc khổ lắm mới nên nghiệp tu hành. Nhưng với tuyệt đại đa số con người sống trong nhân gian này, “tu tại gia”, “tu chợ” mới là con đường “chân tu” thiết thực, ý nghĩa, hữu hiệu để không ngừng góp phần hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nhân cách bản thân và xây dựng nền tảng văn hóa xã hội lành mạnh, văn minh.

ANH THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thu-nhat-la-tu-tai-gia-608832