Thư nước Nhật: 'Chị ơi, em bật khóc khi nghe tin ông Abe qua đời'

'Cả nước Nhật sẽ thương nhớ ông Shinzo Abe', bạn bè và đồng nghiệp của tôi ở Tokyo, Nhật Bản chia sẻ.

“Ông Abe đã qua đời!”

Tôi rụng rời khi nhận được hung tin từ một người bạn. Trên truyền hình, các trang tin tức cũng đang đồng loạt đưa tin.

Vậy là điều kỳ diệu đã không xảy ra rồi!

Trưa nay, khi nhận tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn trong sự kiện tại thành phố Nara, tôi cùng những bạn bè và đồng nghiệp, cũng như hàng triệu người dân Nhật Bản khác đều cầu nguyện cho ông.

Dù các hãng tin NHK, Kyodo hay Nikkei đều đưa những thông tin nói rằng tình trạng vết thương của cựu thủ tướng rất nguy kịch, tất cả đều hi vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra, ông có thể vượt qua cơn nguy kịch. Cả nước Nhật đã dõi theo trong lo lắng. Hầu như không có ai rời mắt khỏi màn hình tivi.

Thậm chí, trưa nay, để đáp ứng nhu cầu cập nhật tin tức của độc giả, tờ Yomiuri Shimbun đã phát hành thêm cả ấn bản phụ để đưa tin về cựu Thủ tướng Abe bị bắn - điều rất hiếm khi xảy ra với các tờ báo in vốn đang mất dần sự quan tâm trong thế giới mà công nghệ ngày càng phát triển.

 Một nhân viên phát hành các ấn bản phụ của tờ Yomiuri Shimbun đưa tin về việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn hôm 8/7 Ảnh: AP.

Một nhân viên phát hành các ấn bản phụ của tờ Yomiuri Shimbun đưa tin về việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn hôm 8/7 Ảnh: AP.

Vì công việc đang quá nhiều và không thể bỏ dở, tôi cố gắng tập trung để hoàn thành cho đúng hạn, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn bỏ chút thời gian theo dõi tin tức. Suốt nhiều tiếng đồng hồ, không xuất hiện thêm thông tin gì mới, tôi đã mong mỏi ông có thể qua khỏi.

Theo AFP, trong cuộc họp báo chiều 8/7 tại Bệnh viện Đại học Y dược Nara, giáo sư chuyên ngành cấp cứu tại Hidetada Fukushima cho biết ông Abe có hai vết thương cách nhau 5 cm ở vùng cổ. Bên cạnh đó, một viên đạn đã đi trúng vào tim của ông. Tuy các bác sĩ đã truyền máu khẩn cấp cho ông Abe nhưng đã không thể cầm máu kịp thời cho các vết thương.

Vị bác sĩ xác nhận ông Abe đã qua đời vào lúc 17h03 (giờ địa phương).

Không thể tin điều này có thể xảy ra ở Nhật

“Chị ơi, em bật khóc khi xem video thấy tin bác ấy qua đời”.

“Em thấy cả thế giới đau buồn”.

“Tự nhiên đi ra ngoài thấy không khí u ám quá”.

“Đột nhiên các hàng quán không còn nét vui vẻ thường ngày”.

“Lúc em nghe tin cựu Thủ tướng Abe mất là 5h55, em ngồi thừ ra rồi xếp đồ rời khỏi chỗ làm luôn”.

“Cả nước Nhật rung chuyển”.

Hộp tin nhắn của tôi tràn ngập chia sẻ đầy cảm xúc của những người bạn như vậy.

Một cô gái ôm mặt khóc trước đài tưởng niệm tạm thời, nơi mọi người đặt hoa tại hiện trường bên ngoài ga Yamato-Saidaiji ở Nara, vị trí cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn trước đó vào ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Một người bạn của tôi, anh Sugita Shouhei - luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Tokyo - chia sẻ: "Không ai có quyền hay tự do cướp đi sinh mạng của người khác. Sự việc ngày hôm nay reo rắc nỗi buồn trên khắp nước Nhật và bản thân tôi không biết phải diễn tả tâm trạng thế nào ngoài từ thực sự đáng buồn".

Sugita Shouhei, luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Tokyo, 37 tuổi. Ảnh: VH.

Kayo - chị đồng nghiệp người Nhật Bản làm cùng công ty với tôi ở Tokyo - bàng hoàng: “Không thể tin điều này có thể xảy ra ở Nhật. Mọi người ở đây luôn có cảm giác yên bình và an toàn. Chuyện dùng súng bắn chết người tưởng như chỉ có trong phim ảnh”.

Nhật Bản vốn có chính sách kiểm soát súng rất chặt chẽ và là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng thấp nhất trong các nước thuộc nhóm G7.

Lần cuối cùng một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng Nhật Bản bị bắn là cách đây 90 năm.

Kayo và tôi từng tham dự một buổi vận động tranh cử có cựu Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tham dự ở một khách sạn lớn tại Tokyo. Chúng tôi vẫn nhớ khung cảnh hôm đó rất yên bình. Mọi thứ đều bình dị, đơn giản, ông Aso đi lại như người dân bình thường, hầu như không nhận thấy sự hiện diện của cảnh sát hay an ninh bảo vệ.

Không ai có quyền hay tự do cướp đi sinh mạng của người khác. Sự việc ngày hôm nay reo rắc nỗi buồn trên khắp nước Nhật và bản thân tôi không biết phải diễn tả tâm trạng thế nào ngoài từ thực sự đáng buồn

Sugita Shouhei - luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Tokyo

Tôi cũng từng nhiều lần chứng kiến cảnh các chính trị gia Nhật Bản vận động tranh cử trước nhà ga Akabane hay ga Shinjuku, gần nơi tôi sinh sống ở Tokyo.

Theo cảm nhận cá nhân, tôi thấy rằng bảo vệ an ninh ở các cuộc vận động như vậy có vẻ không chặt chẽ lắm.

Các chính trị gia Nhật còn hay phát biểu trên các xe buýt mui trần (có vẻ gần gũi), rất chủ quan. Có lẽ chỉ ở Nhật mới có phong cách vận động tranh cử như thế.

"Cả nước Nhật sẽ thương nhớ ông Abe"

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 8/7 chia sẻ rằng ông nghẹn ngào không nói nên lời.

"Tôi đã cầu nguyện các bác sĩ có thể cứu sống ông ấy, nhưng sau đó lại hay tin ông Abe qua đời. Đây là điều rất đáng buồn. Tôi không nói nên lời. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và cầu chúc linh hồn ông được an nghỉ”, đương kim Thủ tướng Nhật Bản trải lòng.

Đó cũng là cảm xúc chung của người dân Nhật Bản vào lúc này. Nhiều giờ sau khi biết tin, chính tôi cũng chưa hết sốc. Tôi từng là du học sinh và nay đang làm việc tại Nhật Bản. Không quá quan tâm tới chính trị nước này nhưng tôi vẫn dành nhiều cảm tình cho cựu thủ tướng tại vị lâu năm nhất của đất nước Mặt Trời mọc.

Bóng của những người trên màn hình công cộng lớn chiếu hình ảnh cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở quận Akihabara của Tokyo vào ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Hẳn ai cũng ghi nhớ hình ảnh gần gũi của ông xuất hiện trong video hồi tháng 4/2020 để kêu gọi người dân ở nhà nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19 và giảm tải gánh nặng cho nhân viên y tế.

Ông còn đưa cả chú chó của mình vào clip trên nền nhạc trẻ trung, vui nhộn thu hút đông đảo người quan tâm và tạo nên một hình tượng gần gũi hiếm thấy ở chính trường Nhật Bản vốn không có nhiều chính trị gia hoạt động trên mạng xã hội.

“Cả nước Nhật sẽ thương nhớ ông Abe”, bạn bè và đồng nghiệp của tôi chia sẻ.

Còn trong mắt bạn bè quốc tế, ông Abe cũng đã tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo đáng nhớ.

"Ông ấy là một trong những lãnh đạo đầu tiên tôi gặp chính thức khi được bầu. Ông ấy tận tụy với công việc, hào phóng và tốt bụng. Ông ấy đã hỏi thăm tôi khi gia đình mất một con thú cưng, đó là cử chỉ nhỏ nhưng cho thấy sự tốt bụng của ông ấy. Tôi xin cầu nguyện cho gia đình ông và người dân Nhật Bản", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chia sẻ trước cái chết của ông Abe.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thường xuất hiện với hình ảnh gần gũi với công chúng. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trải lòng: “Ông Abe là một người bạn tốt của Singapore. Tôi chỉ vừa mời ông ấy ăn trưa hồi tháng 5 trong chuyến thăm Tokyo”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước Anh sát cánh bên Nhật Bản trong thời khắc đen tối khi cựu Thủ tướng Abe qua đời.

"Đây là một tin rất buồn về ông Shinzo Abe. Khả năng lãnh đạo toàn cầu của ông ấy sẽ được rất nhiều người ghi nhớ. Tôi xin chia buồn với gia đình, bạn bè của ông Abe cũng như người dân Nhật Bản", Thủ tướng Johnson cho biết.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông "buồn và chấn động" trước thông tin cựu Thủ tướng Abe qua đời. Nhà lãnh đạo khẳng định nước Đức đoàn kết bên Nhật Bản "trong thời khắc khó khăn này".

Khoảnh khắc nghi phạm nổ súng bắn cựu Thủ tướng Abe Ngày 8/7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị bắn trong lúc phát biểu tại thành phố Nara (miền Tây Nhật Bản). Nghi phạm bị bắt ngay sau đó, và được xác định là cư dân địa phương.

Vân Hoàng

Từ Tokyo, Nhật Bản

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-nuoc-nhat-chi-oi-em-bat-khoc-khi-nghe-tin-ong-abe-qua-doi-post1326111.html