Thủ phạm của các căn bệnh tuổi già là gì?

Một đặc điểm nổi bật của tế bào lão hóa là sự suy yếu, thậm chí mất hẳn tác nhân kết nối RNA.

Vào năm 2017, Lorna Harries, Phó giáo sư Di truyền học Phân tử ở Đại học Exeter, Anh Quốc - hợp tác với Richard Faragher, Giáo sư Sinh học lão khoa ở Đại học Brighton và Lizzy Ostler, Trưởng khoa Hóa Đại học Brighton - đã công bố kết quả nghiên cứu của họ về các hợp chất hoàn toàn dựa trên “công cụ cùn” của resveratrol: bộ ba đã xoay xở giúp các tế bào lão hóa hồi phục tươi trẻ.

Họ đang xem xét cái gọi là “tác nhân kết nối RNA” - các mảnh protein trong tế bào, hoạt động như những chiếc kéo thu nhỏ, chỉnh sửa chuỗi thông điệp được các gene kích hoạt gửi đến cỗ máy tế bào để đảm bảo tạo ra protein làm đúng công việc của nó.

Các tác nhân kết nối này ngày càng trở nên bệ rạc khi chúng ta già đi, do đó thông điệp gửi đến cỗ máy chế tạo protein sẽ kém chính xác và hoạt động của các gene - và do đó cũng chính là hoạt động của tế bào - bị giảm sút. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự yếu ớt của người già, và cũng là nguyên nhân cho các căn bệnh tuổi già khác.

Một đặc điểm nổi bật của tế bào lão hóa là sự suy yếu, và thậm chí mất hẳn, của tác nhân kết nối RNA khi các gene sản xuất ra chúng không còn hoạt động bình thường. Các nhà nghiên cứu tự hỏi, liệu có thể sửa chữa khiếm khuyết này không, và hậu quả là gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Người ta biết rằng resveratrol tác động lên nhiều cơ chế tế bào khác nhau, bao gồm kết nối RNA, do đó nhóm đã thiết kế các hợp chất dựa trên vật phẩm tự nhiên để ưu tiên nhắm đến cơ chế này, và sử dụng các hợp chất tìm được cho các tế bào lão hóa đang nuôi cấy.

Kết quả khá ấn tượng. “Tôi không thể tin được,” Eva Latorre, người giành cả cuộc đời làm việc ở phòng thí nghiệm Exeter nói. “Các tế bào già trông hệt như các tế bào trẻ. Cứ như phép mầu vậy.” Latorre lặp đi lặp lại thí nghiệm của mình để chắc chắn những điều mình thấy, và nó rõ ràng là như vậy. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, tế bào già cỗi hồi sinh, các telomere bị thu ngắn đã được sửa chữa, và tế bào lại tiếp tục phát triển.

“Đây là bước đi đầu tiên trong việc giúp con người sống một cuộc sống bình thường, nhưng sống khỏe mạnh trong suốt cuộc đời,” Harries nói. “Các dữ liệu chúng tôi có được gợi ý rằng việc sử dụng hóa chất để khởi động lại [gene tác nhân kết nối RNA] đã bị dập tắt khi chúng ta già đi cung cấp cách thức để hồi phục chức năng các tế bào già.”

Nhưng từ những kết quả khả quan trong phòng thí nghiệm đến việc đưa vào sản xuất thuốc thực tế giúp con người giữ gìn sức khỏe hoặc trở nên khỏe hơn lại là một chặng đường dài cam go. Chẳng hạn, một nghiên cứu về việc phát triển thuốc và quy trình chấp thuận được đăng trên tạp chí của Hiệp hội thuốc Hoàng Gia đã đi đến kết luận rằng, “cứ mỗi 25.000 hợp chất phát triển từ phòng thí nghiệm, chỉ 25 trong số chúng được thử nghiệm trên người, chỉ 5 hợp chất có thể tung ra thị trường và chỉ một cái duy nhất có thể lấy lại vốn đầu tư.”

Tỷ lệ này cũng tương tự ở Mỹ, nơi mà quy tắc và điều lệ của cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về phát triển và phê duyệt thuốc ngày càng nghiêm ngặt. Chẳng hạn từ giữa những năm 1990, một loại thuốc mới phải trải qua hơn 60 thử nghiệm lâm sàng trên 5.000 người trước khi được cấp phép, trong khi vào năm 1980, con số chỉ là 30 thử nghiệm lâm sàng và 1.500 người. Trong số 1.000 hợp chất có vẻ hứa hẹn trong phòng thí nghiệm, chỉ một có thể bước tiếp để tiến lên con đường đến các phòng khám.

Một cách đối phó với quá trình chậm chạp đầy đau đớn và thiếu sự chắc chắn của việc đưa một loại thuốc mới ra thị trường là tìm những loại thuốc đã có sẵn trong tủ thuốc, loại có nhiều tính ứng dụng hơn so với căn bệnh mà nó vốn được thiết kế để nhắm đến. Có khá nhiều ví dụ cho thứ gọi là “tái sử dụng theo mục đích mới”.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-pham-cua-cac-can-benh-tuoi-gia-la-gi-post1461601.html