Thủ phạm gây lũ trong bão số 9: Thủy điện A vương!

Hơn nửa tháng trôi qua, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam mới bình tâm ngồi suy xét để tìm ra đích danh thủ phạm là Nhà máy thủy điện A Vương.

- Hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày bão số 9 ập vào và trận lũ lịch sử sầm sập đổ từ thượng nguồn về nhấn chìm vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam mới bình tâm ngồi suy xét để tìm ra đích danh thủ phạm là Nhà máy thủy điện A Vương. Nguy cơ từ những hồ chứa Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 15/10 cho biết, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa lớn nhỏ nằm ở địa bàn miền núi phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy điện, có tổng sức chứa hơn 500 triệu m3, được xây dựng tại 18 huyện thị. Trong 73 hồ chứa này có 5 hồ dung tích lớn trên 10 triệu m3. Một chuyên gia thủy lợi đề nghị không nêu tên cho biết, hầu hết các hồ chứa nước lớn này được xây dựng tại địa bàn miền núi. Nó giống như những “quả bom tấn" treo lơ lửng trên đầu người dân Quảng Nam. Nếu không quản lý, vận hành tốt sẽ rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng hàng trăm nghìn dân. Ngoài 73 hồ chứa hiện có, trên địa bàn rừng núi Quảng Nam đã và đang triển khai xây dựng 57 dự án thủy điện với tổng công suất phát điện hơn 1.600 MW. Trong đó có 10 dự án thủy điện lớn bậc thang trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn. Hiện đã có 2 nhà máy đi vào hoạt động là A Vương và Sông Côn. Như vậy, trong tương lai gần, tổng số hồ chứa nước tại Quảng Nam sẽ được nâng lên thành 130 hồ lớn nhỏ. Với số lượng hồ chứa này, nói như vị chuyên gia ngành thủy lợi trên, thì bình quân mỗi huyện ôm hơn 7 “quả bom”. Những quả bom nguy hiểm nhất phải kể đến là những hồ chứa hàng trăm triệu m3 nước của các nhà máy thủy điện nằm ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn. Nếu không có cơ chế quản lý vận hành an toàn, thì nguy cơ gây thảm nạn cho dân sinh vùng hạ lưu là rất lớn - một số nhà khoa học đề nghị không nêu tên khẳng định. Thủy điện A Vương xả lũ - Thủ phạm gây ngập hạ lưu! Đến thời điểm này vẫn chưa có phân định đúng sai trong qui trình xả lũ tại Nhà máy Thủy điện A Vương trong trận bão lũ lịch sử vừa qua. Dường như cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài, bên bảo có người bảo không. Trong báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh chỉ nêu ra thủ phạm gây ra trận lũ lịch sử đó là Nhà máy Thủy điện A Vương. Nhà máy đã xả lũ đúng vào thời khắc hiểm nguy nhất: Hàng trăm nghìn người dân vùng hạ lưu đang bị bão quần trên đầu thì lũ thượng nguồn đổ về, gây thêm biết bao nguy hiểm. Như thông báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, mưa trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 27/9 đến 19 giờ 29/9 tại một số trạm quan trắc từ 300mm đến hơn 600mm. Mưa lớn nơi vùng thượng nguồn đã làm mực nước lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn lên nhanh. Vùng hạ lưu của tỉnh Quảng Nam bắt đầu ngập chìm trong nước. Giữa thời khắc hiểm nguy ấy, vào lúc 12 giờ trưa 29/9, trong lúc bão số 9 đổ bộ vào đất liền, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương báo cáo Ban Phòng chống lụt bão tỉnh xin xả lũ. Bắt đầu từ 13 giờ cùng ngày Nhà máy Thủy điện A Vương xả lũ tràn sâu với lưu lượng 1000m3/s và đến 17 giờ, không chịu nổi áp lực của nước lũ, nhà máy buộc phải xả tràn sâu với lưu lượng 3.000m3/s. Ngay sau khi xả lũ, mực nước đo được tại Ái Nghĩa, Đại Lộc là 9,14 mét, cao hơn báo động 3 là 34cm. Với mức nước này, nhiều địa phương nằm trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ở vùng hạ lưu ngập chìm trong nước lũ. Lãnh đạo Ban Phòng chống lụt bão tỉnh khẳng định, với lưu lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với việc xã lũ của Nhà máy Thủy điện A Vương đã làm gia tăng thêm mức độ ngập lũ cho vùng hạ lưu. Tuy nhiên, việc xả lũ bắt buộc này theo Ban Phòng chống lụt bão tỉnh cũng như Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương là nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho hồ chứa. Tổng lượng nước xả lũ của hồ chứa thủy điện A Vương tính từ 13 giờ 29/9 đến ngày 1/10 là hơn 149 triệu m3. Trong đó lưu lượng xả lớn nhất tại thời điểm nguy hiểm nhất khi bão lũ hoành hành là 2.771m3/s. Việc xả lũ này, theo kết luận trong báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh, là tác nhân chính gây ngập sâu vùng hạ lưu so với đỉnh lũ lịch sử các năm lên đến 3,24m đo được tại Thành Mỹ, huyện Nam Giang. Báo cáo này khẳng định, qua điều tra khảo sát và phản ánh của nhân dân tại địa bàn nhiều xã của huyện Đại Lộc, trong đợt lũ vừa qua, sau khi hồ chứa thủy điện A Vương xả lũ, mực nước sông Vu Gia dâng lên rất nhanh và cao hơn mức của đỉnh lũ lịch sử 1999 và 2007 từ 0,5 đến 1,5 mét nước. Kết luận của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh khẳng định: Việc xả lũ hồ chứa thủy điện A Vương từ ngày 29/9 đến 30/9 là nguyên nhân chính góp phần gây ngập trên diện rộng và thiệt hại lớn tại các địa phương vùng hạ lưu của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Việc xả lũ của hồ chứa A Vương đã bộc lộ những bất cập mà như báo cáo đánh giá của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh là: “Hầu hết các hồ chứa thủy điện nói chung trên địa bàn và thủy điện A Vương nói riêng chỉ chú trọng đến hiệu quả phát điện, an toàn công trình. Chưa hề quan tâm đến vấn đề ngập lụt ở vùng hạ lưu. Đây là vấn đề tồn tại cơ bản nhất…” “Trong đợt lũ vừa qua, nếu đơn vị quản lý vận hành hồ linh hoạt cho xả lũ ngày 28/9 đến sáng ngày 29/9 thì hồ sẽ có dung tích chứa phòng lũ khoảng 60 triệu m3, hạn chế đáng kể ngập lụt cho vùng hạ lưu...”, báo cáo này khẳng định. Như vậy, thủ phạm góp phần nhấn chìm người dân vùng hạ lưu trong trận bão lũ lịch sử cuối tháng 9 vừa qua đã được định danh. Tuy nhiên, việc xử lý cũng như khắc phục hậu quả và bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ lưu khi các hồ chứa hàng trăm triệu m3 treo lơ lửng trên đầu người dân hiện vẫn đang còn tranh cãi giữa các ngành chức năng và đơn vị vận hành. Không biết đến bao giờ, những hiểm nguy trên không còn đe dọa người dân. Câu hỏi vẫn chưa được trả lời...! Hoàng Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/200910/Thu-pham-gay-lu-trong-bao-so-9-Thuy-dien-A-vuong-873928/