Thủ phạm gây ngộ độc, tử vong khi ăn bánh trôi ngô ở Hà Giang

Trước 2015, Hà Giang thường xuyên xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô gây hậu quả nặng nề. Qua quá trình nghiên cứu, Cục ATTP đã tìm được 'thủ phạm'.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, cho biết bánh trôi ngô là món ăn truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc H’Mông, có ý nghĩa văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, trước 2015, tỉnh Hà Giang thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô (bánh trôi ngô, bánh ngô nướng, bánh ngô rán) gây hậu quả nặng nề. Năm 2007-2014, tỉnh Hà Giang đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô với 94 người mắc, trong đó 35 người tử vong.

Các cơ quan chức năng tích cực triển khai nhiều biện pháp điều tra, nghiên cứu, lấy mẫu phân tích và kiểm nghiệm nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ. Ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô tại Hà Giang được xác định là vấn đề bức xúc, thuộc trách nhiệm của ngành y tế nói chung và Sở Y tế Hà Giang nói riêng.

Bánh trôi ngô là món ăn truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc H’mong. Ảnh: PYS.

Bánh trôi ngô là món ăn truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc H’mong. Ảnh: PYS.

Đến 2012, với cách tiếp cận mới trong công tác phòng chống bằng phương pháp phân tích nguy cơ, Cục ATTP phối hợp với Trung tâm Phòng chống nhiễm độc (Học viện Quân y) và Sở Y tế tỉnh Hà Giang triển khai nghiên cứu việc đánh giá nguy cơ và tổ chức triển khai áp dụng giải pháp quản lý nguy cơ đối với ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô tại tỉnh Hà Giang.

Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã cung cấp được bằng chứng quan trọng trong đánh giá nguy cơ. Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm phát hiện độc tố có mặt trong mẫu bánh trôi ngô đã sử dụng trực tiếp trong vụ ngộ độc thực phẩm là Ochratoxin A; chủng nấm mốc là Aspergillus và Penicilline.

Các nhà khoa học đã phát hiện nguy cơ gây ô nhiễm vi nấm, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô ở các vụ ngộ độc bánh trôi ngô tại Hà Giang được xác định là sử dụng bột ngô ráo nước (để lâu nhiều ngày trước khi chế biến lần đầu/hay phần bột còn dư bị mốc) chế biến bánh trôi ngô.

Giải pháp then chốt trong phòng chống ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô tại tỉnh Hà Giang được đề xuất là tuyệt đối không sử dụng bột ngô ráo nước (để lâu nhiều ngày trước khi chế biến lần đầu/hay phần bột còn dư bị mốc) chế biến bánh trôi ngô đối với tất cả các dạng chế biến.

Cục ATTP đã chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế tỉnh Hà Giang phối hợp với các ngành chức năng của địa phương triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đến từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức phong phú để chuyển tải thông điệp những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế - xã hội, các nguy cơ xảy ra và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô.

Kết quả giám sát ngộ độc thực phẩm do ăn bánh trôi ngô tại tỉnh Hà Giang từ 2013 đến 2019 cho thấy đã “chuyển đổi” bền vững được hành vi nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm trong chế biến, sử dụng bánh trôi ngô. Suốt 5 năm liên tục (từ 2015 đến 2019), Hà Giang đã không để xảy ra vụ ngộ độc nào do bánh trôi ngô.

Phải ngăn virus từ ngoài cổng khi học sinh trở lại trường Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định khi học sinh trở lại trường, mỗi cơ sở giáo dục cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cổng trường cho đến trong từng lớp học.

Tuệ Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thu-pham-gay-ngo-doc-tu-vong-khi-an-banh-troi-ngo-o-ha-giang-post1050606.html