Thủ phạm khiến hơn 220 trẻ ngộ độc đến từ bánh ngọt

Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn lấy từ trường mầm non Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) cho thấy, có 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella. Đây là nguyên nhân khiến 223 trẻ và 2 cô giáo bị ngộ độc thực phẩm, phải đi cấp cứu ngày 15.11 vừa qua.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, kết quả cấy vi khuẩn trên bệnh phẩm của bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Salmonella type 2.

Đây là loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột, đau bụng tiêu chảy… Tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella thường xảy ra sau khi ăn thực phẩm không bảo đảm an toàn. Vi khuẩn Samonella được tìm thấy trên mẫu bánh ngọt, trong tổng số 13 mẫu mà cơ quan chức năng đã lấy tại trường Mầm non Xuân Nộn.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại Bệnh viện Đông Anh (Hà Nội)

Cơ quan chức năng đã truy xuất nguồn gốc, cho thấy loại bánh ngọt do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh) cung cấp.

Ngay sau đó, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm Bắc Ninh tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất bánh ngọt Nguyên Cát. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản yêu cầu đình chỉ hoạt động của cơ sở có thời hạn. Đồng thời thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm, thực phẩm gây ô nhiễm và tiến hành xử phạt theo quy định.

Trước đó, trưa ngày 14/11, Trường Mầm non Xuân Nộn đã tổ chức liên hoan buffet nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thực đơn gồm xúc xích, bò sốt vang, xôi lệ phố, cơm rang Dương Châu, rau củ thập cẩm luộc, nước cam và bữa phụ lúc 14h00 cùng ngày gồm sữa chua, bánh ngọt. Thực phẩm được cung cấp bởi Công ty thực phẩm Bảo An (ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội).

Đến 15h ngày 15/11, số em có biểu hiện sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài nên nhà trường và gia đình đưa đi cấp cứu. Tổng cộng, đã có 225 trường hợp, trong đó 223 trẻ và 2 cô giáo phải nhập viện.

Theo các chuyên gia, hiện có tới 2.000 type huyết thanh Salmonella khác nhau. Chúng gây bệnh cho người hoặc động vật hoặc cả hai. Con người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn thực phẩm, đặc biệt là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, trái cây hoặc uống nước hay sữa bị ô nhiễm. Vi khuẩn Salmonella có thể lây lan từ người này sang người khác nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh. Khuẩn Salmonella cũng có thể lây nhiễm sang người từ vật nuôi như rùa và bò sát. Đặc biệt, với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao hơn người trưởng thành do hệ miễn dịch suy yếu.

Các chuyên gia y tế thăm khám cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm của trường mầm non Xuân Nộn

Như vậy, thời gian qua đã liên tục xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại trường học. Trước đó, ngày 5.10, tại trường Tiểu học Đinh Tiền Hoàng (Tp Ninh Bình) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến gần 300 em học sinh phải nhập viện.

Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bữa ăn trưa của các em đưa đi xét nghiệm. Theo kết quả từ Viện kiểm nghiệm quốc gia, phát hiện độc tố khuẩn cầu vàng ở cả thực phẩm sống và thực phẩm chín của món ruốc gà. Khuẩn tụ cầu vàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm. Nguồn lây nhiễm tụ cầu vàng có thể do dụng cụ nấu nướng, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay do quá trình lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm kém chất lượng.

Còn ngày, 3.10, tại Trường Tiểu học Bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cũng đã có hơn 170 em học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... và phải đưa đi bệnh viện sau khi ăn bữa sáng do nhà trường tổ chức.

P.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-khoe/thu-pham-khien-hon-220-tre-ngo-doc-den-tu-banh-ngot-932099.html