'Thu phí' bỗng dưng thành 'thu giá': Chỉ đánh tráo khái niệm

Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân...nhưng không thể thu giá.

Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm

Ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Theo thông tư này, tên gọi "trạm thu phí" được chuyển thành "trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ".

Ngày 22/5/2018, trên trang cá nhân của mình, TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu ý kiến: "Hôm nay, nhân đọc báo thấy Bộ trưởng GTVT lý luận về việc "thu giá" ở các trạm BOT, xin được phép thưa gửi đôi điều về việc này.

"Thu giá" thật ra là một "sáng tạo" để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí. Theo quy định của Luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí.

Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật.

Rất tiếc, phí BOT không có trong Danh mục này. Đáng ra Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục nói trên, thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm.

Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân...nhưng không thể thu giá vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê".

Trạm thu phí Bến Lức đã được đổi thành trạm thu giá

Trạm thu phí Bến Lức đã được đổi thành trạm thu giá

Đồng tình quan điểm bà Nguyễn Trung Thuần - nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển, Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam nêu ý kiến: "Phí" là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ.

Phí gắn với tiền cụ thể, nộp phí là nộp tiền, thu phí là thu tiền. Miễn phí là không phải trả tiền dịch vụ.

Các loại phí thường gặp trong đời sống là học phí, viện phí, án phí, cước phí, phí dự thi, dự tuyển, phí trông giữ xe ở các bãi giữ xe, phí tham quan (thường bằng hình thức bán vé), phí giới thiệu, tư vấn việc làm, phí bảo vệ môi trường, phí giao thông...

Còn "giá" thuộc về phạm trù khác hẳn, là giá trị được biểu hiện bằng tiền, không gắn với đồng tiền cụ thể. Giá đầy biến động, luôn thay đổi, chỉ có thị trường mới điều tiết được giá mà chẳng cơ quan chức năng nào có thể can thiệp được. Vậy "thu giá" sẽ được chốt ở mức nào đây, là chạy theo thị trường sao?.

Trong khi TS Đỗ Phương Lâm - Đại học Hải Phòng khẳng định: "Giá chỉ là biểu hiện về giá trị, chứ không phải là cái gì cụ thể, vì thế không thể thu hay nộp. Còn phí là khoản tiền, khoản chi tiêu vào một việc nào đó như: học phí, lộ phí, viện phí.

Theo Từ điển tiếng Việt, phí còn được hiểu là "khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó".

Vì thế, chỉ có thể nói thu phí cầu đường mà không thể nói thu giá cầu đường. Các cụm từ thu giá, trạm thu giá được cấu tạo không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố.

Lẽ ra nên phân biệt phí đường bộ thông thường với phí BOT thì Bộ GTVT lại đặt ra khái niệm thu giá. Tạo ra một từ mới là thu giá, là một từ rất tối nghĩa, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Bởi nó là một từ không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa hai thành tố cấu tạo.

Thu giá linh động hơn thu phí

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Huy Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT giải thích, mức phí do Nhà nước ban hành, còn giá dịch vụ sử dụng đường bộ dựa trên sự thống nhất tại hợp đồng dự án.

Thế nhưng, về bản chất thì việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không khác thu phí trước đây vì mức thu đều được dựa trên phương án tài chính của dự án và cập nhật các yếu tố biến động để điều chỉnh phù hợp.

Chỉ khác ở chỗ Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi có các yếu tố biến động, thay vì Bộ Tài chính như trước đó.

Về tên gọi "trạm thu giá" được cho là không phù hợp với từ ngữ tiếng Việt, ông Hiếu cho rằng quan trọng là mọi người hiểu đúng nội dung thu, rằng thực tế có nhiều từ không có nhưng được hình thành trong thực tiễn.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên thảo luận ở tổ vào ngày 22/5, trả lời câu hỏi từ phí chuyển sang giá có thay đổi bản chất, Bộ trưởng Thể nói: "Mỗi một giai đoạn lịch sử thì khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau.

Hiện nay, chủ trương là giảm đến mức thấp nhất chi phí của hàng hóa. Về bản chất, hiện nay điều chỉnh để làm sao khả năng chịu đựng của nền kinh tế thấp nhất.

Ngày trước, mỗi lần điều chỉnh phí rất khó khăn vì điều chỉnh phí thuộc thẩm quyền HĐND địa phương mà HĐND thì không thể linh động được.

Chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy thôi nhưng sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá BOT ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí giảm rất sâu vì những nơi đó điều kiện cho phép. Còn để HĐND quyết thì điều chỉnh từng mức rất khó khăn".

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-phi-bong-dung-thanh-thu-gia-chi-danh-trao-khai-niem-3358692/