Thu phí BOT đường thủy: Lợi bất cập hại

Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ tiến hành thu phí BOT dự án đường thủy luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) đến cảng Bến Súc (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), với mức thu phí là 70.000 đồng/1.000 tấn/km. Các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng, mức phí này quá cao, không chỉ DN vận tải chịu không nổi mà sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó, lớn nhất là việc đẩy giá nông sản lên cao, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Ảnh minh họa.

GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, việc thu phí BOT đường thủy để có kinh phí phục vụ cho việc nạo vét luồng lạch, đầu tư bến bãi, hạ tầng giao thông đường thủy là một chủ trương đúng đắn và sớm muộn cũng phải tiến hành. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần cân nhắc lại hình thức và mức thu phí để đảm bảo hài hòa giữa các bên.

Nâng phí - dìm nông sản

Ông Trần Văn May - Chủ DN Tín Thương cho biết: “Với mức giá hiện nay, một lần Cty chuyển 500 tấn gạo lên Bình Dương bằng xà lan chỉ tốn khoảng 60 triệu đồng tiền vận chuyển. Sau khi trừ hết mọi chi phí, DN kinh doanh lúa gạo cũng chỉ lời khoảng 5 USD/ 1 tấn. Nếu đi đường bộ, chi phí vận chuyển sẽ đội lên gấp 3 - 4 lần nên hàng nông sản từ miền Tây lên TP HCM lâu nay chỉ duy nhất bằng đường thủy, dùng đường bộ là thua chắc”.

Còn ông Phan Tiến Công - Giám đốc Cty TNHH Thuận Phát (một DN chuyên kinh doanh lúa gạo tại Đồng Tháp) cho rằng: Với lợi thế vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn và tiết kiệm chi phí so với đường bộ nên vận tải đường thủy đang là kênh chính để chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên miền Đông Nam Bộ, trong đó chủ yếu đi qua luồng sông Sài Gòn. Tuy nhiên, với mức phí BOT đường thủy cao như kế hoạch của Bộ GTVT thì chi phí vận tải sẽ bị đội lên rất cao. Một chuyến xà lan chở 2.500 tấn gạo lên TP HCM với lộ trình 200 km, với mức phí 70 đồng/tấn/km, DN sẽ mất thêm khoảng 35 triệu đồng tiền phí. Chỉ tính riêng đoạn Bình Lợi - Bến Xúc, đối với xà lan 1.000 tấn sẽ phải đóng mức phí 70.000 đồng/km, xà lan trên 3.000 tấn đóng tới 210.000 đồng/km, gần 15 triệu đồng cho cả chặng. “Do hiện giờ các chi phí đầu vào như xăng dầu, điện nước… đều tăng, nếu cộng thêm việc tăng phí BOT đường thủy không chỉ ảnh hưởng lớn tới các DN vận tải mà còn khiến cho các DN sản xuất, chế biến nông sản cũng rơi vào thế khó” - ông Công lo lắng.

Nên thu theo phương thức BOT đường bộ

Theo tính toán của GS Xuân: Chi phí tăng thêm này sẽ trực tiếp tính vào giá nông sản nên khi tàu cập bến, giá nông sản sẽ tăng lên 14.000 đồng/1 tấn. “Trong khi đó, hầu hết DN nông sản nào cũng phải đi vay vốn để đầu tư, sản xuất, chỉ cần lãi suất ngân hàng dao động mỗi ngày một đồng đã ảnh hưởng lớn tới giá cả, chứ đừng nói là tăng 14 đồng!” - GS Xuân chia sẻ.

Trong khi đó, với mức giá thu như trên có thể sẽ đẩy ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thế khó và cuối cùng người nông dân là người chịu thiệt thòi. Chính sách tận thu này cuối cùng là thu của người nông dân chứ DN kinh doanh lúa gạo và DN vận tải sẽ không bao giờ bỏ tiền túi ra bù vào chi phí phát sinh thêm. Nhận định này được ông May phân tích: “Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực khoảng 5USD/tấn. Cụ thể, giá gạo thường đạt 360 USD/tấn, giá gạo tấm khoảng 310 USD/tấn. Nhà nước thu phí BOT sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu lên là một chuyện nhưng việc tăng giá cũng chỉ nằm trong giới hạn vì giá gạo trên thị trường hiện cạnh tranh khốc liệt.

Cuối cùng DN thu mua lúa gạo chỉ còn cách duy nhất quay lại ép người nông dân, tức là thu mua vào với giá thấp hơn để bù lỗ. Nông dân làm ra hạt lúa nhiều khi không có lãi, giờ lại bị ép giá thì làm sao họ theo đuổi nghề nông được”. Do đó, GS Xuân kiến nghị: Bộ GTVT nên xem xét lại vấn đề thu phí, đồng thời với việc giảm giá cước, có lộ trình, nên mở rộng hình thức thu phí BOT đường thủy giống như thu phí BOT đường bộ. Nghĩa là, có thể thu theo lượt, hoặc thu tháng, năm. Số tiền phí sẽ thu theo đầu phương tiện, mức đóng khác nhau tùy thuộc vào công suất vận chuyển của xà lan, cho dù xà lan đó không chạy nhưng DN đăng ký thì vẫn phải đóng phí. Như thế, vừa không bỏ lọt phương tiện, vừa có lộ trình để DN thích nghi, chứ nếu cứ thu phí theo chuyến như kế hoạch của Bộ GTVT chắc chắn nhiều DN sẽ “sốc” và không còn muốn đầu tư vào đường thủy, và thiệt hại cho kinh tế sẽ khó lường, trong đó ngành nông sản.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/thu-phi-bot-duong-thuy-loi-bat-cap-hai-1061536.html