Thu phí thải khí CO2 bắt đầu từ đâu?

Những đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí.

Đây là một trong những nội dung cơ bản trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng đang được Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng.

 4 địa phương được lựa chọn thí điểm thu phí thải khí CO2 là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam

4 địa phương được lựa chọn thí điểm thu phí thải khí CO2 là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam

Theo dự thảo, 4 địa phương được lựa chọn thí điểm là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Đặc biệt, dự thảo cũng nêu rõ sản xuất nhiệt điện than và xi măng phải trả phí hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng.

Dự kiến có 20 nhà máy thực hiện thí điểm chi trả trên địa bàn 4 tỉnh gồm: 9 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than và 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020. Dự kiến, việc thu phí tại 4 tỉnh thí điểm DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Sơn – Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia để góp phần bảo vệ môi trường bởi nhiệt điện than có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Tuy nhiên ông Sơn lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, phần chi phí này sẽ được tính vào giá điện. Theo tính toán của doanh nghiệp, dự kiến riêng Công ty Nhiệt điện Đông Triều sẽ phải chi 10 tỷ đồng/năm cho khoản phí trên.

Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015), cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính. HIện nay, 88 quốc gia, chiếm 56% lượng khí thải toàn cầu, có kế hoạch thực hiện các cơ chế định giá khí thải CO2 để đạt được cam kết đã nêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.Chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là cơ hội để có nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết.

Tuy nhiên theo số liệu của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) 72% lượng khí thải CO2 thải ra môi trường từ các hoạt động vận tải đường bộ, trong đó vận tải hàng hóa chiếm 30-40%. Dự báo tại Châu Á đến năm 2030 khí thải CO2 từ hoạt động vận tải sẽ tăng lên từ 3 – 5 lần.

Như vậy, việc dự thảo thí điểm thu phí vào 2 lĩnh vực hoạt động sản xuất là nhiệt điện than và xi măng liệu có thực sự tác động làm giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường cũng là điều cần phải cân nhắc. Đặc biệt trong bối cảnh, giá điện đang được cho là lĩnh vực sẽ tác động rất nhiều tới nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Thúy Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thu-phi-thai-khi-co2-bat-dau-tu-dau-155659.html