Thu phí tự động không dừng còn nhiều vướng mắc

Thu phí điện tử tự động không dừng là chủ trương đúng đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, hình thức thu phí không dừng vẫn triển khai chậm.

Thu phí điện tử tự động không dừng là chủ trương đúng đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, hình thức thu phí không dừng vẫn triển khai chậm.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì Tọa đàm: Cách nào đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng" diễn ra sáng 2/4. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì Tọa đàm: Cách nào đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng" diễn ra sáng 2/4. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại buổi tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng?" do Báo Giao thông tổ chức sáng 2/4 đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến việc triển khai này chậm, đồng thời đã đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, hiện cả nước có trên 90 trạm thu phí BOT và đang áp dụng hình thức thu phí thủ công, chủ yếu là con người và hệ thống máy tính thực hiện. Qua thực tiễn, việc này bộc lộ một số khiếm khuyết khi thực hiện thu phí.

Đó là chuyện ùn tắc giao thông trước và sau trạm thu phí, đặc biệt là trạm cửa ngõ các thành phố lớn; lực lượng tham gia thu phí rất lớn, dẫn đến chi phí bị đội lên cao. Ngoài ra, việc thu phí hoàn trả theo phương án tài chính rất cần sự công khai minh bạch doanh thu trên đầu phương tiện đi qua trạm thu phí. Cùng đó là vấn đề môi trường, an ninh trật tự ở trạm thu phí cũng bộc lộ những bất cập.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, theo mốc thời gian trong Quyết định 07/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành để thực hiện thu theo hình thức điện tử tự động không dừng (thu phí không dừng). Lộ trình cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch chi tiết, quyết tâm lấy mốc 31/12/2019 để thu phí tự động không dừng trên Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến khác. Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng phối hợp với địa phương để phấn đấu đưa các trạm do địa phương quản lý áp dụng thu phí không dừng vào 31/12/2019.

Mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải là thực hiện thu phí không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - Bộ Giao thông Vận tải thông tin, hiện nay dự án giai đoạn 1 có 28 trạm, hiện đã hoàn thành 26 trạm, có 2 trạm chưa thực hiện do đang dừng và trạm hết hạn thu phí. Còn 33 trạm thuộc dự án giai đoạn 2, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai đấu thầu, dự kiến tháng 4 sẽ đấu thầu cho giai đoạn 2, trong năm nay sẽ hoàn thành.

“Tuy nhiên, việc dán thẻ thì khá chậm, hiện nay chỉ có khoảng 700.000 phương tiện trên tổng 3,5 triệu phương tiện của cả nước dán thẻ. Mặc dù triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng tỷ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu”, ông Nguyễn Viết Huy cho biết.

Là một nhà đầu tư có nhiều dự án BOT đang triển khai, ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẳng định: “Về chủ trương của Chính phủ trong việc áp dụng công nghệ thu phí mới, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án thu phí không dừng trên toàn quốc nảy sinh một số bất cập như do người dân Việt có thói quen tiêu dùng tiền mặt rất lớn, do đó, cần tính toán lộ trình phù hợp chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua tài khoản".

“Về tài khoản tham gia thu phí không dừng, khách hàng phải trả tiền trước cho công ty thu phí không dừng. Lượng khách hàng trả tiền trước trên toàn quốc rất lớn.

Vậy cung cấp dịch vụ thu phí không dừng có trả lãi cho người dùng không hay sẽ tính toán như thế nào trong việc sử dụng vốn này trong phương án tài chính? Ai là người được hưởng khoản lãi này cần phải làm rõ”, ông Thế phân tích.

Ngoài ra, ông Trần Văn Thế còn chỉ ra một số bất cập khác như khi bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thì trách nhiệm giải quyết phát sinh trong quá trình vận hành, quản lý trạm thu phí sẽ như thế nào?

Các phát sinh có thể bao gồm ùn tắc, đứt cáp quang... thì trách nhiệm giải quyết những vấn đề này thuộc về nhà đầu tư BOT hay đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng?

Trạm thu phí dự án BOT Quán Toan - Cầu Nghìn do TASCO đầu tư. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Trước câu hỏi của nhà đầu tư BOT, ông Hồ Trọng Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thu phí tự động VETC (giai đoạn 1) cho biết, lãi suất của doanh thu thu phí là của nhà đầu tư, VETC chỉ là dịch vụ thu phí hộ. Hiện VETC thanh toán ngay trong ngày, không để qua đêm, nên các trạm thu phí 6h sáng chốt doanh thu, 9h sáng chuyển tiền cho chủ đầu tư BOT.

Nhà đầu tư BOT và bên cung cấp dịch vụ thu phí không dừng có thể thống nhất doanh thu 1 trạm 1 ngày chốt 1 thời điểm chuyển tiền. Còn nếu nhà đầu tư BOT muốn chuyển 2-3 lần vẫn làm được.

Về vấn đề được nhiều chủ phương tiện quan tâm là khi thực hiện thu phí không dừng thì khoản tiền trong thẻ của khách hàng sẽ rất lớn. Và khoản tiền đó chỉ chuyển cho nhà đầu tư BOT vào ngày hôm sau. Như vậy, khoản lãi qua đêm sẽ tính toán như thế nào?

Trả lời băn khoăn này, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho các trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ. Đây là tiền điện tử có hình thức trả trước và các công ty trung gian không được phép trả lãi.

“Tương tự với trường hợp thu phí không dừng, việc người dân, người sử dụng chuyển tiền trả trước là chuyện bình thường để sử dụng tiện ích thu phí không dừng mang lại cho họ”, ông Nghiêm Thanh Sơn lý giải.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, khi triển khai thu phí không dừng thì người sử dụng phương tiện ô tô đều là đối tượng bị chi phối và đều phải thực hiện. Chúng ta phải nhận thức là làm sao hướng tới mục tiêu chung để thực hiện bằng được chủ trương này để giám sát và minh bạch việc thu phí BOT.

“Còn liên quan đến việc kiểm soát dòng tiền, nguyên tắc chuyển tiền giữa nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (VETC) và nhà đầu tư ra sao, chúng ta sẽ tiếp tục bàn bạc để đi đến thống nhất cuối cùng, nhưng mục tiêu là phải hoàn thành được thu phí không dừng đúng thời hạn Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng cũng tạo thuận lợi nhất cho tất cả các chủ thể, từ nhà đầu tư, ngân hàng, người dân”, Thứ trưởng Thọ đánh giá.

Vì vậy, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, trong quá trình triển khai, vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa phù hợp, phải bổ sung, hoàn thiện.

Trước đây, phí dịch vụ của VETC, chúng ta giao VETC thỏa thuận với nhà đầu tư để hưởng chi phí. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến nhà đầu tư nên chúng tôi kiến nghị có cơ chế riêng. Còn dòng tiền chuyển như thế nào, nhà đầu tư, ngân hàng và VETC phải thống nhất để sao cho hiệu quả nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chủ trương thu phí tự động không dừng là đúng nhưng thực hiện nhanh hay chậm là do chúng ta giải quyết hài hòa lợi ích giữa 4 nhà đó là: Nhà đầu tư BOT (có lợi hơn so với thu phí hiện nay: áp dụng công nghệ hiện đại thì chi phí thu tự động thấp hơn chi phí thu thủ công hiện nay);

Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thu phí tự động (họ cũng là nhà đầu tư về công nghệ nên họ phải có lãi); Người sử dụng dịch vụ đường bộ (tiện lợi hơn, nhanh hơn); Nhà nước (giao thông thông thoáng, đảm bảo giám sát công khai minh bạch).

Ngoài ra, việc nộp tiền trước vào tài khoản: Có cơ chế chính sách gì không, có giảm giá hay ưu đãi cho người sử dụng dịch vụ đường bộ trả tiền trước vào tài khoản hay không?

“Trên cơ sở làm rõ các vấn đề này, chúng ta mới đưa ra đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư đáp ứng về công nghệ. Và các nhà thầu buộc phải tuân theo cơ chế chính sách đã được phê duyệt trong dự án, là một phần trong hợp đồng kinh tế giữa cơ quan có thẩm quyền với các bên tham gia quá trình cung cấp dịch vụ.

Nếu dự án chưa giải quyết đầy đủ, toàn diện các yêu cầu này thì Bộ Giao thông Vận tải nên đưa các nội dung này trong hợp đồng mời thầu, để đảm bảo việc triển khai dự án được rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Quyền đánh giá.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cứ 2 tuần họp tổ chức họp một lần để tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền và thực hiện. Bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần tuyên truyền đến lái xe việc dán thẻ để thực hiện.

“Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải làm gương, dán trước, sử dụng trước. Kế đó là cán bộ nhà nước. Người dân thấy tiện ích họ sẽ sử dụng. Tôi đồng tình việc trước mắt phải có cơ chế khuyến khích.

Còn liên quan đến ý kiến vì sao không đủ điều kiện tại sao đấu thầu thu phí không dừng, tôi khẳng định luôn phải đủ điều kiện mới tổ chức đấu thầu. Phải có dự án được duyệt, thiết kế kỹ thuật được duyệt mới đấu thầu được. Còn những gì phát sinh thì phải tiếp tục xử lý”, Thứ trưởng Thọ khẳng định./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-con-nhieu-vuong-mac/117399.html