Thủ phủ đào Hà Nội: Phai dần theo năm tháng?

Sau vụ Tết Giáp Thìn thua lỗ, nhiều người trồng đào ở Nhật Tân, Quảng Bá (Hà Nội) đã chuyển hướng hoặc bỏ nghề.

Người trồng lại bắt đầu một vụ đào mới

"Không đủ tiền thuê đất trồng đào"

Anh Nguyễn Trung Hiếu - chủ nhân 3 vườn đào tại Tứ Liên, quận Tây Hồ - vừa trải qua một vụ đào thất bát. Đầu năm 2023, vay ngân hàng số tiền hơn 200 triệu, anh Hiếu đi săn lùng những gốc đào đẹp, độc lạ từ khắp các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình... đem về chăm sóc và tạo thế tạp dáng.

Vào cuối tháng 7 âm lịch, như mọi năm, anh Hiếu bắt đầu tuốt lá cho cây để tháng 8 khoanh gốc chốt cây. Tuy nhiên vào năm nay do thời tiết thay đổi ấm hơn nên các cây đã nở hết từ cuối tháng Chạp. "Tôi mở bán vào 25 tháng Chạp nhưng khách thấy hoa đã nở hết thì không mấy mặn mà.

Những gốc đào "khủng" được trồng lại, chăm sóc sau Tết

Năm nay gần như tôi mất trắng hoàn toàn, chỉ thu hồi tiền vốn bằng việc cho thuê những gốc đào rừng có thế đẹp. Người thuê với những cây đào rừng thế độc thì thường không quan tâm đến hoa ra sớm hay muộn vì họ chỉ thuê trong dịp Tết", anh ngao ngán.

Bên cạnh đó, theo anh Hiếu, do khó khăn kinh tế, lượng người mua ít cũng hơn so với mọi năm. Anh Hiếu phải chia lô đào trồng trong năm ra nhiều địa điểm bán mới vơi đi được ít hàng. Cách Tết vài ngày nhưng anh mới chỉ bán được khoảng 70% lượng cây do người dân không chuộng những cây hoa đào nở sớm. Theo đánh giá chung hoa đào năm nay không có sự thay đổi nhiều so với mọi năm, thậm chí thời điểm cận tết năm nay thời tiết ấm áp hơn, đào nở rộ còn có giá thấp hơn.

"Nếu tính ra thì tôi chỉ đủ tiền thuê đất trồng vào năm sau". Đợt cây năm nay chỉ thu về được 82 triệu, khi trừ chi phí thuốc men, phân bón và tiền nhân công, anh chỉ cầm về được hơn 40 triệu đồng. Số gốc đào rừng cho thuê chỉ vỏn vẹn 10 gốc khiến anh phải đau đầu với số tiền 200 triệu đã vay ngân hàng trước đó.

Không riêng gì anh Hiếu, nhiều chủ hàng kinh doanh tại chợ hoa Tây Hồ cũng than vãn vì tình hình buôn bán khá ế ẩm, dù cây đẹp, dáng độc lạ, giá nhập cao vẫn buộc phải bán rẻ để kích cầu mua sắm.

Người chuyển hướng - kẻ bỏ nghề

Trong căn chòi nhỏ được dựng tạm bợ khoảng chừng 20m2, đủ mọi vật dụng ngổn ngang xà beng, chậu..., anh Nguyễn Ngọc Dương (Tứ Liên, Tây Hồ), đang tất bật chuẩn bị để "hạ thổ" lại những gốc cây đào vừa được cho thuê từ trong tết. Nhận định được tình hình không ổn, ngay từ tháng giêng anh Dương đã có ý định chuyển hướng từ trồng đào quy mô lớn sang việc chăm sóc những gốc đào cổ thụ để chuyên cho thuê.

Giá thuê cao, lại mua được gốc quý nên anh quyết định đã chuyển từ trồng đào cành sang đào thế để cho thuê. Anh cho biết, khách thuê đào thế chủ yếu là doanh nghiệp, các cơ quan hoặc các gia đình có điều kiện, còn người mua bình thường lựa chọn những cây đào nhỏ để bàn.

Giá thuê tùy theo từng cây, trung bình từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng, nhưng cũng có những cây giá thuê từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. "So sánh với việc trồng đào cành cần quy mô lớn và số lượng cây lớn thì những cây đào thuê này lời hơn hẳn" – anh Dương cho hay.

Ngoài ra nắm bắt nhu cầu của nhiều người dân mua đào thế chơi Tết với giá đắt, sau Tết họ không muốn bán đi mà giữ lại để năm sau có thể "chơi" tiếp nên anh kiêm luôn cả dịch vụ trồng đào thuê để có thêm thu nhập. Với khách hàng có nhu cầu, anh sẽ tới tận nhà để xem xét tình trạng cũng như giá trị của cây.

Những gốc đào thế giá tầm 4-5 triệu đồng thì giá trồng đào thuê thường là 1 triệu đồng còn những loại đắt hơn giá chục triệu thì tiền trồng thuê thường có giá cao hơn từ 3-4 triệu đồng.

Khác với anh Dương, ông Nguyễn Trung Hiếu - chủ nhân của hơn 200 gốc đào tại phường Nhật Tân lại chán nản với công việc đã đồng hành cùng mình trong hơn 30 năm. "Thời tiết ngày càng thay đổi thất thường, không ít người làm nghề ở Nhật Tân đây cũng không còn mấy mặn mà với nghề trồng đào nữa". Thua lỗ hơn 60 triệu, 32 gốc đào bị hỏng là những gì anh Hiếu phải gồng gánh trong tết năm nay do thời tiết thất thường.

Ngay từ đầu năm, 2 mẫu đất vốn để trồng đào được anh Hiếu cho các hộ sản xuất ở khu vực thuê.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều nông dân trồng đào khu vực Nhật Tân - Tây Hồ. Không thể phủ nhận một điều rằng, nghề trồng đào ở Nhật Tân đem lại kinh tế khá cao, với những hộ dân làm vườn có diện tích đất trồng đào rộng, nếu "trúng mánh" sẽ có một nguồn thu nhập lớn. Nhưng luôn có những lý do khách quan lẫn chủ quan khiến mỗi năm thị trường đào cảnh có những biến đổi khó lường khiến nhiều nông dân luôn phải ở trong nỗi lo liệu rằng nghề này có bị mai một dần theo thời gian...

Nguyễn Khánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thu-phu-dao-ha-noi-phai-dan-theo-nam-thang-20240327095104557.htm