Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung được công nhận nhãn hiệu

Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng công nhận nhãn hiệu 'Hoa Nghĩa Hiệp'. Đây cũng là lần đầu tiên, Quảng Ngãi có một làng hoa được cấp bằng công nhận này.

Ngày 6/1, hơn 500 hộ nông dân trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vui mừng đón nhận bằng công nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa Nghĩa Hiệp" do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.

Trao Chứng nhận nhãn hiệu tập thể hoa Nghĩa Hiệp cho xã Nghĩa Hiệp với các loại hoa cúc, hồng, dạ yến thảo.

Trao Chứng nhận nhãn hiệu tập thể hoa Nghĩa Hiệp cho xã Nghĩa Hiệp với các loại hoa cúc, hồng, dạ yến thảo.

Làng hoa Nghĩa Hiệp được hình thành cách đây hơn 50 năm. Trước đây, người trồng hoa chủ yếu trồng với quy mô nhỏ lẻ, tranh thủ thời gian nhàn rỗi vào dịp cuối năm để trồng hoa với mục đích kiếm thêm thu nhập.

Sau nhiều năm, người dân nhận thấy lợi nhuận từ nghề trồng hoa mang lại khá cao nên số lượng người trồng hoa ngày càng tăng nhanh. Chủng loại hoa đa dạng hơn, cách trồng và chăm sóc hoa cũng chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt, người dân đã tự nghiên cứu, chuyển đổi, thuần hóa cách chăm sóc cây để phù hợp với thời tiết của miền Trung. Hiện nay, thị trường tiêu thụ hoa của Nghĩa Hiệp cũng ngày càng phát triển. Ngoài tiêu thụ nội tỉnh, các hộ dân nhập mô giống và nuôi dưỡng, nhân giống và cung cấp cho các tỉnh như Đà Lạt, Bình Định, Khánh Hòa...

Người dân Nghĩa Hiệp chong đèn để thúc hoa cúc lớn.

Bên cạnh hoa cúc - loài hoa chủ lực, người dân nơi đây còn trồng mai, dạ yến thảo, hoa hồng... và các loại cây kiểng, tập trung nhiều ở các thôn Thế Bình, Hải Môn, Đồng Viên... phục vụ thị trường dịp Tết.

Hàng năm, xã Nghĩa Hiệp đây xuất bán hàng triệu chậu hoa các loại, đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Hiện xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) đã thành lập tổ hợp tác sản xuất hoa; đăng ký sản phẩm Ocop cho nhãn hiệu Hoa Nghĩa Hiệp.

Ngoài cúc, người dân Nghĩa Hiệp còn trồng dạ yến thảo, hoa hồng... để phục vụ thị trường.

Theo bà Võ Thị Thịnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, xây dựng nhãn hiệu là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương.

"Thời gian đến, UBND xã sẽ cùng với Hội nông dân xã, tổ hợp tác trồng hoa phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức bộ máy quản lý một cách hợp lý nhằm hoàn thiện, tạo điều kiện để người dân có thể sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả; duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm và khẳng định vị trí của sản phẩm hoa trên thị trường" - bà Thịnh nói.

Để làng hoa Nghĩa Hiệp ngày càng phát triển, ông Nguyễn Đăng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa yêu cầu địa phương này tập trung xây dựng vùng cây hoa giống ổn định, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc.

Trong tương lai gần, huyện sẽ liên kết với các công ty lữ hãnh mở tour du lịch đưa du khách gần, xa đến tham quan làng hoa Nghĩa Hiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Dịp này, xã Nghĩa Hiệp còn tổ chức trưng bày hoa, cây cảnh (từ ngày 6 - 8/1/2023) cùng với nhiều hoạt động giao lưu, hướng dẫn chăm sóc cây, hoa tươi và văn nghệ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-phu-hoa-cuc-lon-nhat-mien-trung-duoc-cong-nhan-nhan-hieu.html