'Thủ phủ' mai trắng dưới chân núi Tản

Hà Nội không chỉ có đào thất thốn Nhật Tân mà từ nhiều năm nay, một thú chơi tao nhã của người xưa đã và đang trở lại - đó là thú chơi mai trắng, loài hoa độc đáo còn được gọi với cái tên khác là nhất chi mai. Trên miền đất đồi gò thuộc xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội), mai trắng khoe sắc, tô thắm cho dải đất dưới chân núi Tản, mang lại thu nhập cao cho người làng hoa.

Khấm khá nhờ cây mai

“Quê chúng tôi là thủ phủ mai trắng…” - bà Nguyễn Thị Mai Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh “khoe” như vậy khi tôi hỏi chuyện quy hoạch, phát triển thế mạnh sản xuất nuôi trồng của vùng.

Quả vậy, về xã Tản Lĩnh những ngày này mới thấy được hết sự nhộn nhịp của người trồng hoa, cây cảnh nơi đây. Trên khắp nẻo đường qua xã chỉ thấy từng chuyến xe rầm rập vào ra. Rất nhịp nhàng, hàng loạt chậu mai tập kết tại nơi đất trống rồi được chuyển lên những xe tải chờ sẵn. Mai trắng khoe sắc, người trồng cũng vì vậy mà bận rộn...

Trong câu chuyện về nguồn gốc cây mai trắng, cái tên Đỗ Mạnh Quân được những người dân Tản Lĩnh nhắc đến đầu tiên. Tò mò về người tiên phong đưa mai trắng “cắm rễ” trên đất này, sau không ít quãng hỏi thăm, tôi tìm đến khuôn viên vườn nhà anh.

Buổi hôm ấy, anh Quân đi vắng, chỉ có chị Lê Thị Phương Lan (vợ anh Quân, công tác tại Trường Tiểu học Tản Lĩnh) đang tất bật tưới tắm cho mai. Hỏi mới biết, chị là người phụ nữ đồng hành, theo sát bên anh những ngày đầu tiên đưa mai trắng về trồng thử nơi đất này.

Theo lời chị Lan, mỗi dịp Tết gia đình chị đều xuất bán hàng nghìn gốc mai trắng. Riêng năm vừa rồi, gia đình chị xuất bán khoảng 3.000 cây. Để đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho vườn mai trắng dịp cận Tết, vợ chồng chị phải thuê hàng chục nhân công. Trong những ngày thường cũng phải thuê từ 3 - 5 người để tiện chăm sóc cây.

Qua tìm hiểu, trong vùng có khoảng 240 hộ dân thì gần 60% gia đình đều tham gia trồng mai trắng và cây cảnh. Nhiều cái tên nổi tiếng về trồng và có diện tích lớn về mai trắng có thể kể đến như anh Đỗ Mạnh Quân, ông Đỗ Văn Thơ, anh Đỗ Quang Tuấn… Thực tế cho thấy, mô hình trồng mai trắng có thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác.

Nếu tính giá bán buôn trung bình mỗi gốc từ 200.000 đồng trở lên thì ước chừng mỗi hộ trồng mai trắng ở Tản Lĩnh có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm. Chính bởi thu nhập cao nên nhiều người trong xã đã mạnh dạn đầu tư lớn vào mở rộng ươm, trồng và nhân rộng vườn mai trắng. Nhờ mai bén rễ, tỏa hương, không ít hộ đã xây nhà to, sắm ô tô, tiện nghi sinh hoạt.

Thú chơi “đáng đồng tiền bát gạo”

Nhắc đến sự cầu kỳ trong chăm sóc mai trắng, trong một dịp đến Nhật Tân, tôi quen được anh Trần Tiến Dũng, chủ vườn Dũng Ngà, một trong số ít những người tâm huyết với loài nằm trong kỳ hoa “tùng, cúc, trúc, mai” này. Anh Dũng bảo, để mai trắng ra hoa đúng dịp, đẹp, “mắt” dày mới là một nửa thành công.

Ngoài ra, phải tạo cho cây có dáng thế mang những ý nghĩa mà người xưa để lại. Chẳng hạn, hiện nhiều khách hàng ưa chuộng dáng “bạt phong hồi đầu” bởi nó thể hiện cái tâm thế dù cuộc đời xô đẩy vẫn nhớ về chốn cũ. Và cũng chính bởi cái dáng xiêu xiêu ấy cũng tượng trưng cho người biết vận dụng thời cuộc.

Phải trồng và chú ý mới biết, điểm đặc biệt của mai trắng chính là vụ hoa thứ nhất thường nở vào những ngày giáp Tết và kéo dài hết Tết Nguyên đán. Đến vụ hoa thứ 2, khi mai, đào bắt đầu tàn thì mai trắng lại đâm chồi, nảy nụ, bung nở hoa thêm một đợt nữa. Đợt hoa thứ hai này thường kéo dài cho tới khi chớm hè mới tàn hết.

Theo lời anh Dũng, sở dĩ mai trắng ngày càng được chuộng bởi người chơi nhận ra cái cốt cách ẩn chứa trong nó. Trải qua những ngày đông lạnh giá, mai trắng vẫn kiên cường sinh trưởng và trổ hoa trắng tinh khôi khi xuân đến tựa như bậc quân tử luôn giữ mình thanh cao, vì thế được người xưa tôn là “cây quân tử”…

Tết, những gia đình quan lại, trí thức Thăng Long - Hà Nội xưa thường đặt một chậu mai trắng nho nhỏ trên bàn uống nước, hoặc trong phòng khách. Gốc mai gầy guộc, xù xì. Tiết trời càng lạnh, hoa càng trắng tinh khiết.

Người đến với loài hoa mai này, thường theo đúng nghĩa "thưởng mai" bởi chơi mai trắng cần sự yên tĩnh, để thả tâm hồn trong từng dáng thế. Cũng chính bởi sự tao nhã ấy mà những người trí thức Hà Nội xưa, thường chuộng mai trắng, xem đây như tính cách người Hà Nội, là nét đặc trưng Tết của những gia đình trí thức Hà Nội một thời.

Điểm đáng trân trọng ở những người Tản Lĩnh là ngoài việc áp dụng kỹ thuật, các nghệ nhân, nhà vườn trong vùng luôn học hỏi và truyền cho nhau những kinh nghiệm thực tiễn.

Họ không giấu nghề và toàn tâm chỉ dạy nếu được hỏi. Nhắc chuyện phát triển cây mai trắng trong vùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh cho biết: “Trồng mai trắng mất rất nhiều thời gian.

Để 1 cây mai gọi là thành phẩm phải mất từ 4 - 5 năm, từ phôi đến uốn thế mất ít nhất 5 năm mới có thể bán. Để phát triển mai tại địa phương, chúng tôi đã có quy hoạch hết sức cụ thể, khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mai trắng”.

Xuân về, những chuyến xe chở đầy mai trắng từ vùng đất nằm dưới chân núi Tản Viên lại nối đuôi nhau, nườm nượp hướng về Thủ đô. Dọc những khu chợ Bưởi… sắc trắng hoa mai trắng ngập tràn, tô thắm cho không khí tết của Thủ đô. Giữa rừng mai khoe sắc, người ta thấy cả những nụ cười như được mùa hiện lên trên khuôn mặt rạng rỡ của người nông dân.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thu-phu-mai-trang-duoi-chan-nui-tan-102374.html