Thủ phủ nuôi hươu ở Hà Tĩnh: Vào mùa 'hái' lộc

Dịp đầu năm, người nuôi hươu sao ở huyện miền núi Hương Sơn phấn khởi vào vụ thu hoạch, ngoài 'hái' lộc cầu may còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm nhung hươu ở huyện miền núi Hương Sơn được đánh giá cao về chất lượng.

Dịp đầu năm, người nuôi hươu sao ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) phấn khởi vào vụ thu hoạch, ngoài “hái” lộc cầu may còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu năm “hái” lộc nhung cầu may

Sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân huyện Hương Sơn tất bật thu hoạch lộc nhung hươu. Một số khách hàng trực tiếp đến tại chuồng trải nghiệm cắt nhung hoặc đặt mua qua người thân, bạn bè mua giúp gửi đi các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thời điểm này, gia đình ông Bùi Kim Thắng (thị trấn Tây Sơn) có 3 con hươu đực cho thu hoạch, ước tính mang lại lợi nhuận kinh tế khoảng 50 triệu đồng. Để kịp bán cho khách, ông phải huy động người nhà và nhờ thêm một số người dân trong vùng đến hỗ trợ cắt lộc.

“Gia đình tôi có truyền thống nuôi hươu được hơn 30 năm. Từ xưa chủ yếu là nuôi duy trì, cách đây khoảng 10 năm, tôi bỏ ra 30 triệu đồng tiền vốn để mua thêm 2 con hươu cái. Đến nay đã nhân đàn được 13 con gồm 3 con hươu đực và 10 con hươu cái. Ước tính bình quân mỗi năm đàn hươu mang lại thu nhập cho gia đình trên dưới 100 triệu đồng”, ông Thắng phấn khởi nói.

Theo ông Thắng, dịp đầu năm, nhiều khách hàng quan niệm “hái” lộc nhung để cầu may mắn, sức khỏe nên gia đình nào có hươu cho thu hoạch sẽ được giá khá cao. Giá nhung hươu tại đây dao động từ 12 - 13 triệu đồng/kg.

“Dù người nuôi hươu ai cũng muốn bán nhung vào dịp đầu năm để thu lợi nhuận cao hơn, nhưng không phải con hươu nào cũng cho thu hoạch đúng thời điểm như vậy. Nhung mọc được 45 - 50 ngày mới đạt chuẩn, nếu cắt non thì trọng lượng thấp, còn để quá ngày nhung sẽ già và giảm chất lượng”, ông Thắng cho biết thêm.

Còn anh Nguyễn Thành Trung (SN 1988, xã Sơn Diệm, Hương Sơn) từng đi làm công nhân ở miền Nam, thu nhập bấp bênh. Cách đây 8 năm, nhận thấy việc nuôi hươu có tiềm năng phát triển kinh tế nên anh Trung đã quyết tâm trở về quê làm giàu.

Từ số vốn vài chục triệu đồng, đến nay, hàng năm nghề nuôi hươu đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Trung gần 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với việc tìm tòi các kỹ thuật chăn nuôi hươu đã giúp anh Trung thu hoạch lớn vào mỗi dịp đầu năm.

Để cắt được lộc nhung cần huy động nhiều người có sức khỏe và kinh nghiệm.

Bảo tồn giống tốt

Với đặc thù địa hình miền núi, có nhiều cây cỏ phát triển, từ bao đời nay, huyện Hương Sơn được biết đến là “thủ phủ” của nghề nuôi hươu lấy nhung. Những năm qua, hươu trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân ở huyện Hương Sơn thoát nghèo.

Đây được xem là nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân miền núi Hà Tĩnh. Trải qua nhiều thăng trầm, những năm gần đây, ngoài việc phát triển tổng đàn, nhờ được đầu tư chăm sóc, tập huấn đầy đủ kiến thức nên các sản phẩm từ nhung hươu được nhiều người biết đến.

Theo người dân Hương Sơn, hươu dễ chăm sóc, lượng thức ăn ít hơn so với các loại gia súc khác, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng giờ đây họ đã có cách chăm sóc để thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,8 - 1kg, cá biệt hươu khỏe có thể cho “lộc” nặng đến 2kg.

“Nuôi hươu mang lại kinh tế cao hơn nhiều lần so với trâu bò. Nếu tính lượng thức ăn, một con bò nái có thể ăn bằng 5 con hươu. Một người khỏe mạnh kiếm nguồn thức ăn cho 2 con bò nái là vất vả, nhưng chăm 7 - 8 con hươu là bình thường. Trong khi đó hươu cho thu hoạch nhung 2 lần/năm”, bà Lê Thị Hương (xã Sơn Giang) cho biết.

Ngoài nuôi hươu lấy nhung, theo người dân Hương Sơn, việc kết hợp nuôi hươu nái cũng tạo thêm nguồn thu nhập khá lớn. Mỗi năm, hươu cái sinh sản một lần, nếu sinh con đực sẽ bán giống với giá từ 15 - 25 triệu đồng/con, còn sinh hươu cái thì 8 - 10 triệu đồng/con. Như vậy, mỗi cặp hươu bố mẹ có thể cho thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/năm.

Ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện hiện có đàn hươu hơn 44.500 con. Thời điểm trước và sau Tết năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 21.000 con cho nhung với sản lượng ước tính khoảng hơn 18,9 tấn. Với giá bán khoảng 11 triệu đồng/kg, toàn huyện ước sẽ thu được trên 200 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.

“Huyện xác định chăn nuôi là trọng điểm trong phát triển kinh tế, trong đó nuôi hươu là chủ lực, vì vậy có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát triển đàn hươu. Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đang đầu tư chương trình tuyển chọn 100 con hươu đực giống khỏe mạnh ở Hương Sơn để phối giống nhằm bảo tồn, duy trì nâng cao chất lượng, nhằm giảm thiểu hiện tượng đồng huyết gây suy thoái đàn với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/con/năm”, ông Hòa nói.

Hươu sao là loài động vật đang được bảo tồn ở Việt Nam. Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh được coi là vùng đất thủy tổ của loài hươu ở Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho “Hươu giống, nhung hươu Hương Sơn”. Với lợi thế sẵn có về nguồn thức ăn dồi dào, sự chăm sóc chu đáo của người chăn nuôi, nhung hươu ở Hương Sơn rất được người tiêu dùng tin cậy về chất lượng.

Tiến Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-phu-nuoi-huou-o-ha-tinh-vao-mua-hai-loc-post673661.html