Thứ rất quen thuộc với những nhà có trẻ nhỏ này có thể giúp bảo vệ môi trường và cả túi tiền?

Giải pháp này có thể giải quyết 2 vấn đề quan trọng, đầu tiên là rác thải tã bỉm và sau đó là số tiền chi trả cho nguyên vật liệu xây dựng.

Theo bài viết được công bố gần đây trên tờ Scientific Reports, một nhóm các nhà nghiên cứu đã thay thế cát trong bê tông bằng tã bỉm đã sử dụng và hỗn hợp được sử dụng để xây một ngôi nhà ở Indonesia.

Nhà nghiên cứu Siswanti Zuraida thuộc Đại học Kitakyushu ở Nhật Bản cho biết mình nhận ra rằng tã bỉm đã qua sử dụng là một nguồn rác thải khổng lồ - thứ sẽ chất đầy các bãi rác trong các khu vực thiếu cơ sở hạ tầng tái chế:

"Quy trình tái chế hiện có (cho tã, bỉm) chỉ giới hạn ở các nước phát triển vì (công nghệ này) khó áp dụng và tốn kém. Và vì vậy, điều quan trọng là phải đề xuất một phương pháp tái chế chi phí thấp cho tã, bỉm ở các nước đang phát triển".

Cô Zuraida cũng nhận thấy nhu cầu tại các nước đang phát triển về việc giảm giá vật liệu xây dựng và quyết định thử xem liệu cô có thể giải quyết hai vấn đề cùng một lúc hay không:

"Thay thế một phần cát (trong bê tông) là cách làm để giảm chi phí vật liệu (xây dựng). Điều đó cũng biến tã, bỉm tái chế thành thứ gì đó có giá trị - vì cho đến nay loại rác thải này đang được đưa vào lò đốt hoặc chôn lấp".

Cũng theo nhà nghiên cứu, mặc dù người bình thường có thể khó chịu trước ý tưởng này nhưng cần phải làm rõ một việc đó là tã, bỉm đã được làm sạch trước khi tái chế:

"Phân sẽ được loại bỏ bằng nước, còn với nước tiểu - chỉ cần ngâm (tã, bỉm) trong dung dịch có chứa các chất phụ gia hóa học - sau đó chúng sẽ được làm khô và cắt nhỏ".

Mặc dù ý tưởng thêm tã bỉm vào thành phần bê tông không hoàn toàn mới, nhưng cô Zuraida cho biết dự án của cô là dự án đầu tiên đưa nó vào thử nghiệm trong nhà ở. Mục đích của nghiên cứu là xây dựng một ngôi nhà giá rẻ tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng của Indonesia.

"Những nghiên cứu trước đó đã khuyến khích tôi áp dụng những phát hiện này ở quy mô vĩ mô, đó là xây dựng nhà ở thực tế bằng cách sử dụng tã, bỉm như một phần của cấu kiện xây dựng".

Cát, xi măng cùng với đá và nước được hòa trộn với nhau sẽ tạo ra bê tông. Vai trò của cát là tăng tỷ trọng, chống co ngót, tăng thể tích và tăng diện tích bề mặt tiếp xúc với chất kết dính (xi măng). Bê tông thông thường có từ 60 đến 80% cát và sỏi.

Cô Zuraida và các đồng nghiệp của mình lần đầu tiên kiểm tra cái được gọi là cường độ nén của bê tông - tính toàn vẹn thay đổi theo tỷ lệ tã, bỉm thay thế cho cát - và thấy rằng họ có thể sử dụng 1,73 m3 tã, bỉm trong việc xây dựng ngôi nhà có diện tích sàn 36 m2.

Các thành phần kết cấu và chịu lực có tỉ lệ tã, bỉm tái chế tối đa là 10% và tỉ lệ này có thể lên tới 40% với các thành phần phi kết cấu khác.

Bình luận về nghiên cứu nói trên, Tiến sĩ Rackel San Nicolas, người phụ trách nghiên cứu vật liệu xây dựng bền vững tại Đại học Melbourne (Úc) cho biết việc thay thế vật liệu xây dựng thông thường bằng rác thải là hành động thân thiện với môi trường.

Ví dụ như để sản xuất xi măng, người ta phải nung vôi và CO2 được giải phóng vào không khí trong quá trình này. Việc thay thế xi măng bằng tro bay - một sản phẩm phụ của quá trình đốt than sẽ giúp cắt giảm lượng CO2.

Bà San Nicolas cũng lưu ý rằng trên thị trường đã xuất hiện vật liệu với tro bay thay thế từ 50 đến 60% xi măng và các nhà nghiên cứu của Đại học Melbourne đang hướng tới các ứng dụng không sử dụng xi măng - mà hoàn toàn là tro bay.

Cần lưu ý rằng hiện tại bản thân bê tông cũ cũng có thể được nghiền nát và dùng lại cũng như các loại rác thải khác như lốp xe, kính... cũng được tái sử dụng trong xây dựng.

Quế Mai

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thu-rat-quen-thuoc-voi-nhung-nha-co-tre-nho-nay-co-the-giup-bao-ve-moi-truong-va-ca-tui-tien-20230523110202393.htm