Thử sức ở vùng đất nóng

Người dân Phan Rí Cửa tỉnh Bình Thuận đón tôi với cái nhìn dè dặt, nhưng cũng cónhững nụ cười thân thiện và cho biết ngày nào cũng có tin đồn nên Phan Rí Cửa vẫnthoáng những bất an.

Khu vực Phan Rí Cửa. Ảnh: TGCC

Câu chuyện tác nghiệp ở Phan Rí Cửa của tôi gửi đến đồng nghiệp, với hy vọng chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp ở địa bàn phức tạp. Từ đó giúp mọi người đến được nơi đây và chuyển tải nhiều thông tin chính xác.

Chuẩn bị kỹ càng

Tôi cầm tấm vé bước lên tàu SE 3 xuôi từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận vào chiều ngày 15/6. Tôi muốn ngày 21/6 năm nay có một kỷ niệm thật sự sâu sắc - dấn thân vào điểm nóng Phan Rí Cửa, nơi vừa xảy ra vụ bạo loạn, địa danh này gắn với hình ảnh nhiều chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy, đối tượng tấn công cảnh sát bằng đá, trụ sở Cảnh sát PCCC vô tội vẫn bị xạm khói.

Chưa bao giờ hành trang lên đường nhiều như chuyến đi này - camera, thẻ nhớ, băng, lau đầu từ, quần áo rin, dày giảm trầy xước khi giáp mặt với đối tượng nghiện ngập... Trước khi lên đường, một người bạn ở Bình Thuận nhắn tin không mấy ngọt ngào: “Vào điểm nóng không được mang theo máy ảnh, có giấy tờ đầy đủ, chấp nhận rủi ro”. Nhưng điều tôi được dặn kỹ nhất, đó là màu áo. Ban đêm, không được mặc 2 màu đen, đỏ lang thang trên những quãng đường tối và tỏ vẻ đáng ngờ.

Con tàu dừng bánh ở ga Bình Thuận lúc 2 giờ sáng. Chỉ có một vị khách duy nhất bước xuống sân ga với 2 ba lô và một túi đựng 2 máy ảnh, ống kính tê-lê.

Đường phố Phan Thiết lặng lẽ dưới ánh đèn đỏ, không có bóng công an lập chốt đầy đường là dấu hiệu của sự bình an. Anh xe ôm Grab chở tôi đi và kể chuyện về những ngày không bình yên ở thành phố Phan Thiết. Đó là những ngày cánh xe ôm ngại chạy vào tuyến đường Trần Hưng Đạo cắt ngang Cao Thắng dẫn vào điểm nóng. Anh còn kể chuyện có gia đình ở Phan Rí Cửa mất người thân, nhưng phải năn nỉ mới rẽ được đám đông để ra nghĩa trang, chậm mất nửa giờ chôn cất.

Nơi tôi lưu trú là trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận, nằm sát Sở Kế hoạch và Đầu tư còn ám khói, bên cạnh UBND tỉnh đang sửa chữa lại hàng rào cổng ngõ. Lúc 2 giờ 30 phút sáng, 2 cậu lính gác mặc áo trấn thủ che ngực, bồng súng đứng nghiêm, một cậu lính trẻ đang dạo quanh và tưới nước cho bồn hoa đang đơm bông. Những ngày căng thẳng đã khiến những người lính luôn căng cơ và coi đêm cũng như ngày.

Người tôi tìm làm “điểm tựa” là cánh báo chí Trung ương thường trú tại địa phương. Họ hiểu rõ mọi ngóc ngách và có thể giúp tôi tìm đường. Nhưng anh em đều lắc đầu và cho biết: “không có nơi tiếp cận nguồn tin, tự bơi nhưng yêu cầu đưa tin phải thực sự chính xác, chệch một phát, có khi sẽ thu hút đối tượng ném đá”. Ông Huỳnh Thái Dương, Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận và ông Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tôi và cũng chỉ nói vài thông tin chung nhất hoặc là không có bất cứ thông tin gì. Chi tiết vụ việc không ai có trong tay hoặc đóng dấu mật.

Phan Rí Cửa cách thị xã Phan Thiết khoảng 70 km. Ảnh: TL

“Số 0, tự bơi”

Mọi thông tin không có ai đứng ra phát ngôn để báo chí tạo ra một dòng chảy, góp phần trấn an dư luận. Vũ khí thông tin đang nằm trong vỏ và không có “viên đạn” nào được lên nòng.

Phóng viên tác nghiệp phải tự tìm hiểu. Cái giá của việc đưa tin sai lệch sẽ rất đắt - nếu thông tin đó vô tình tạo cớ kích động, gây chia rẽ. Lúc đắn đo, tôi nhận được nhiều tín hiệu giống như lời khuyên “rút về Quảng Ngãi đi”.

Tôi tự lý giải rằng, “điều đó thật hấp dẫn đối với nghề báo và đây là cơ hội để giở tất cả chiêu chước, học thêm kinh nghiệm”. Cứ 5 giờ sáng, tôi nhảy lên chuyến xe buýt số 2 để xuôi về Phan Rí Cửa cách thị xã Phan Thiết khoảng 70 km. Điểm nóng vẫn hầm hập với nhiều tin đồn. Tại Phan Rí Cửa, câu chuyện bâng quơ của tôi với một phụ nữ chưa nói được gì, người con trai đã ra kéo mẹ thụt lùi. Trong bóng tối của căn nhà tôn ẩm thấp, 4 ánh mắt nhìn ra với vẻ hoài nghi.

Những người được tôi trình thẻ nhà báo thường lật qua lật lại miếng giấy màu đỏ và nói rằng “bữa nay giả dạng nhiều lắm, công an, bộ đội cũng giả, coi vầy chứ không biết đây là loại thẻ gì”.

Ở những điểm nóng, tấm thẻ nhà báo có lúc không còn giá trị, thậm chí còn bị nghi ngờ là chuyện bình thường.

Tôi lưu lại ở Phan Rí Cửa 3 tiếng đồng hồ đã nhận được điện thoại hỏi với giọng nghiêm trọng: “Có người nói một ông nhà báo giả mặc đồ xanh đi lạng lạng, đó là ông hay thằng cha nào khác!?”.

Nơi tôi đứng thật lâu và cảm nhận là đồn Công an Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Phan Rí Cửa. Người đội trưởng cùng anh em cố gắng xịt rửa, nhưng cao su dính bết khiến sân xi măng vẫn ám đầy khói đen và chất dẻo. Những người lính trẻ phàn nàn chuyện hồ sơ bị cháy hết, mất bằng cấp, học bạ, không biết thi đại học như thế nào; những bộ quần áo ướt sũng nước vì suốt ngày phun nước, rửa nhà... Nghe câu chuyện và thấy hình ảnh đó, chợt nghĩ đến những bình luận trà chanh, chém gió, lạnh lùng, cảm tính và hả hê của ai đó.

Tôi ra ga Phan Thiết đặt tấm vé và nhủ thầm “vé đi có mã số đuôi là 873, vé về có mã số đuôi là 596”. Đó là những con số ngẫu nhiên nhưng gắn với sự kiện tuyệt đẹp trong cuộc đời tôi, liên quan đến sự vụ bước ngoặt. Mua vé, về xếp hành lý, tạm biệt mọi người, nhưng ý nghĩ về kỷ niệm đáng nhớ 21/6 và 2 chữ “người dân” thôi thúc đã khiến tôi quay trở lại trả tấm vé và nói vui “một lần nữa thôi, người ơi!”.

Sáng 20/6, tôi trở lại Phan Rí Cửa, tiếp tục lang thang, một người dẫn tôi vào đầu xóm rồi vội vã quay ra; tôi vừa chụp tấm ảnh và quay ra thì đã có vài người rượt theo đặt câu hỏi “nhà báo thiệt hay giả?”. Tin tức tôi thu được lần này là nhiều tin thật. Những người tôi gặp lại đã nói nhiều điều. Vì họ hiểu ra rằng, đây là nhà báo thực tâm mong Phan Rí Cửa bình yên trở lại./.

Lê Văn Chương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/thu-suc-o-vung-dat-nong-n11586.html