Thử tên lửa rồi đột ngột đối thoại: Giải mã chiến lược của ông Kim

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được coi là nhà lãnh đạo bí hiểm nhất thế giới. Nhưng ông không bí hiểm trong mắt Alexander Vuving, giáo sư tại một viện thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông Vuving là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An Ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông cho rằng thay vì mạo hiểm và khó đoán, ông Kim đã theo một chiến lược dài hơi, toan tính kỹ càng, khi liên tiếp thử tên lửa trong nhiều năm rồi bất ngờ đề nghị đối thoại vô điều kiện năm 2018.

Giải mã được chiến lược này của ông Kim, Mỹ nên “nhìn xa trông rộng” hơn là mặc cả về phi hạt nhân hóa, và coi “đối thoại liên tục và bền vững” với Triều Tiên là lời giải cho toàn bộ vấn đề đã kéo dài nhiều thập kỷ này.

Chứng tỏ quyền uy

Vì chương trình vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã khiến thế giới phải đau đầu trong nhiều thập kỷ. Với hệ thống chính trị của Triều Tiên, ngoại giao của Bình Nhưỡng thường dựa rất lớn vào ý đồ của nhà lãnh đạo tối cao.

Ông Kim Jong Un dường như là lãnh đạo bí hiểm nhất trên thế giới hiện nay, nhưng nhìn sâu hơn, hành động của ông cho thấy một chiến lược có suy tính và nhất quán. Ông đang cố gắng thay đổi đất nước, và tốt nhất, Mỹ nên tìm cách tận dụng điều đó để đối thoại liên tục và chắc chắn với Triều Tiên.

Trong 6 năm đầu tiên nắm quyền Triều Tiên (2012-2017), ông Kim mạnh mẽ theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ông thử vũ khí thường xuyên và táo bạo hơn cha và ông nội mình. Nhưng tháng 3/2018, ông làm thế giới ngạc nhiên khi chuyển hướng và đề nghị đối thoại với Tổng thống Mỹ.

Trong nghiên cứu về Triều Tiên, quan niệm phổ biến nhất là lãnh đạo nước này phải có khả năng răn đe hạt nhân để yên tâm trước nguy cơ bị Mỹ xâm chiếm. Điều này có lý, nhưng không giải thích được quy mô và tần suất mà ông Kim thử nghiệm vũ khí sau khi lên nắm quyền.

Trên thực tế, ông Kim không cần thêm vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa để khiến Mỹ e ngại.

Hàng chục nghìn lính Mỹ và 30 triệu người Hàn Quốc (60% dân số) đang sống trong tầm bắn của hàng nghìn khẩu pháo của Triều Tiên đặt dọc biên giới. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2006 ước tính dàn pháo của Triều Tiên có thể giết chết 250.000 người chỉ riêng trong thành phố Seoul nếu chiến tranh xảy ra. Các tình huống giả định của quân đội Mỹ cũng dự đoán khoảng 10.000 lính Mỹ sẽ bị thương trong những ngày đầu chiến tranh với Triều Tiên, chưa kể đến vũ khí hạt nhân.

Trên thực tế, ông Kim không cần thêm vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa để khiến Mỹ e ngại.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ ông Kim là lãnh đạo trẻ, việc ông phát triển vũ khí hạt nhân và tỏ ra cứng rắn với thế giới sẽ dễ hiểu hơn. Ông lãnh đạo Triều Tiên khi chưa đầy 30 tuổi. Bước ra từ tấm màn bí mật để thừa kế cương vị của cha mình khi tuổi đời còn rất trẻ, ông buộc phải chứng tỏ bản thân – ông không có kinh nghiệm chính trị hay lãnh đạo quân đội như cha và ông nội.

Ông hiểu rằng là con cháu của người lập quốc và ngồi trên vị trí tối cao trong bộ máy không đảm bảo sự ổn định, nhất là khi tầng lớp lãnh đạo ở Triều Tiên đều trên ông một hoặc hai thế hệ. Ngoại trừ em gái Kim Yo Jong, 28 Ủy viên Bộ Chính trị trong Đảng Lao động Triều Tiên đều hơn ông Kim từ 20-56 tuổi.

Tầng lớp lãnh đạo ở Triều Tiên đều trên ông Kim một hoặc hai thế hệ. Ảnh: AFP.

Tầng lớp lãnh đạo ở Triều Tiên đều trên ông Kim một hoặc hai thế hệ. Ảnh: AFP.

Để chứng tỏ khả năng chèo lái đất nước, ông Kim tận dụng thứ vũ khí hủy diệt trong tay mình và các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài. Trong 5 năm từ 2013-2017, ông Kim thử hạt nhân thêm 4 lần. Đến năm 2018, sau khi thử hạt nhân tổng cộng 6 lần, Triều Tiên đã cảm thấy đủ an tâm để tự mình ra lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa. 6 cũng là số lần mà hai cường quốc khác, Ấn Độ và Pakistan, thử hạt nhân, và các nước này cũng đã trở thành cường quốc hạt nhân.

Ông Kim cũng phát triển tên lửa tầm xa có khả năng nhắm trúng bất cứ đâu trên trái đất. Tháng 11/2017, Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, Hwasong-15, mà theo như cựu bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis “đã bay cao hơn mọi lần Triều Tiên thử nghiệm, và nằm trong kế hoạch nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo có thể đe dọa mọi điểm trên thế giới”. Ngay sau đó, ông Kim tuyên bố Triều Tiên “đã đạt được nhiệm vụ lịch sử là trở thành quốc gia hạt nhân”.

Ông Vuving cho rằng chương trình vũ khí của ông Kim có mục tiêu sâu xa hơn: buộc giới lãnh đạo trong nước phải kính nể ông. Ảnh: Reuters, Getty Images.

Ông Vuving cho rằng chương trình vũ khí của ông Kim có mục tiêu sâu xa hơn: buộc giới lãnh đạo trong nước phải kính nể ông. Ảnh: Reuters, Getty Images.

Chiến lược lâu dài của người ‘yêu đất nước’

Đã tạo được quyền uy về quân sự, ông Kim chuyển sang theo đuổi ngoại giao từ tháng 3/2018, kêu gọi Tổng thống Mỹ đối thoại. Về mặt này, việc ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ông lên vị thế ngang hàng với các cường quốc trên thế giới. Khi gặp gỡ ở Singapore, trước sự chứng kiến của toàn thế giới, ông Trump đã thể hiện sự tôn trọng hoàn toàn, và liên tục khen ngợi ông Kim. “Tôi nhận ra ông ấy rất tài năng. Tôi cũng nhận ra ông ấy rất yêu đất nước của mình”, ông Trump trả lời các phóng viên.

Hiểu được chiến lược của ông Kim Jong Un, có thể thấy đối với Mỹ, Triều Tiên thực ra là một cơ hội địa chính trị dù bề ngoài là mối đe dọa. Nhất là khi chương trình vũ khí của ông đã có đủ tính đe dọa với Mỹ để buộc giới lãnh đạo trong nước phải kiêng nể ông.

Tất nhiên, phát triển thêm vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo chắc chắn giúp Triều Tiên có vị thế hơn trước Bắc Kinh, Washington, Tokyo và Seoul. Nhưng trong chiến lược của ông Kim, đe dọa thủ đô các nước không quan trọng bằng nỗi lo khẳng định vị thế bản thân ở trong nước.

Việc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ông Kim lên vị thế ngang hàng với lãnh đạo các cường quốc trên thế giới. Ảnh: AFP.

Việc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ông Kim lên vị thế ngang hàng với lãnh đạo các cường quốc trên thế giới. Ảnh: AFP.

Lên nắm quyền khi còn trẻ buộc ông Kim phải đạt những thành tựu nhanh chóng và ấn tượng, nhưng cũng khiến ông nghĩ xa hơn về cải thiện nền kinh tế và chỗ đứng của mình trên thế giới. Điều đó sẽ bao gồm cải cách kinh tế và quan hệ với các cường quốc, các nước láng giềng. Với hơn 40% dân số suy dinh dưỡng và nền kinh tế phụ thuộc vào thực phẩm và nhiên liệu của Trung Quốc, ông Kim sẽ không thể duy trì lâu mà không có thay đổi.

Trong 7 năm nắm quyền, ông Kim đã có đường lối rõ ràng. Chỉ một năm sau khi trở thành lãnh đạo Triều Tiên, vào tháng 3/2013, ông Kim công bố chính sách mới, có tên “byungjin” để thay thế chính sách “quân sự trên hết” của cha mình. “Byungjin” có nghĩa là phát triển song song cả hạt nhân lẫn kinh tế. Sau khi trở thành nước hạt nhân cuối năm 2017, ông Kim lại tuyên bố “chiến lược mới” đầu năm 2018 “tập trung mọi nguồn lực của đảng và nhà nước vào việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời ông Kim cũng đề nghị đối thoại vô điều kiện với Mỹ và nối lại quan hệ với Hàn Quốc.

Lên nắm quyền khi còn trẻ buộc ông Kim phải đạt những thành tựu nhanh chóng và ấn tượng, nhưng cũng khiến ông nghĩ xa hơn về cải thiện nền kinh tế và chỗ đứng của mình trên thế giới.

Việc làm hòa với Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn dễ hiểu khi nhìn vào nỗ lực phát triển kinh tế của ông Kim. Kể từ khi nắm quyền năm 2012, ông Kim đã điều hành kinh tế theo hướng chia sẻ quyền quyết định và lợi ích rộng hơn, để nền kinh tế tự do hơn.

Có một nghịch lý là Triều Tiên càng yếu về kinh tế, nước này lại càng dễ dàng đòi hỏi Trung Quốc, nước luôn lo sợ sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ tạo nên bất ổn. Càng mở cửa nền kinh tế, Triều Tiên sẽ lại càng yếu thế trước sức ép của Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất với vốn đầu tư rất dồi dào. Ông Kim không muốn bị phụ thuộc toàn bộ vào Trung Quốc. Ông muốn ở vị thế cân bằng khi tăng tốc xây dựng kinh tế.

Cơ hội hợp tác dù bề ngoài là mối đe dọa

Trước một Triều Tiên đang thay đổi như vậy, Mỹ phải thay đổi các giả thiết của mình trong chính sách. Washington không nên công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, nhưng cũng phải nhận ra việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể sẽ mất nhiều thập kỷ. Lệnh trừng phạt “gây sức ép cao nhất” đã không thể, và sẽ không thể, buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vì Trung Quốc vừa có lợi ích và có tiềm lực để giữ cho Triều Tiên không sụp đổ.

Việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn nên là mục tiêu về lâu dài, nhưng nên coi nó là sản phẩm phụ của một chính sách đối thoại thành công, không phải là điều kiện phải có để bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Từ góc độ của Mỹ, Washington nên theo đuổi “chính sách đối thoại liên tục và bền vững” với Triều Tiên, sao cho phù hợp với mọi diễn biến trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Á nói chung, để tạo ra sự cân bằng quyền lực có lợi cho Mỹ.

Mỹ nên tiếp tục đối thoại và gây dựng niềm tin với Triều Tiên, nhưng điều này không loại trừ việc thỉnh thoảng gây sức ép và trừng phạt để ngăn không cho Triều Tiên lợi dụng. Chính sách đối thoại này không cần phải đi kèm việc cắt giảm liên quân Mỹ - Hàn. Trên thực tế, Triều Tiên phải hiểu một điều, cũng như cố lãnh đạo Kim Jong Il đã từng nói với cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tại Bình Nhưỡng năm 2000: sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc có tác dụng giữ ổn định cho Châu Á.

Ông Vuving cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc có tác dụng giữ ổn định cho Châu Á. Ảnh: AFP.

Ông Vuving cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc có tác dụng giữ ổn định cho Châu Á. Ảnh: AFP.

“Chính sách đối thoại liên tục và bền vững” sẽ đi theo 3 nhánh, trong đó, nhánh này sẽ thúc đẩy nhánh kia.

Về nhánh kiểm soát vũ khí, chính sách này khuyến khích, thuyết phục hay gây sức ép khi cần để Triều Tiên giảm kho vũ khí hạt nhân và tên lửa xuống mức “răn đe tối thiểu”. Tùy vào lòng tin giữa Triều Tiên và các nước láng giềng cũng như Mỹ, mức “răn đe tối thiểu” này có thể không đòi hỏi Triều Tiên phải có vũ khí hạt nhân.

Về nhánh chính trị, Mỹ cần tiến nhanh hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Chính sách này nên khuyến khích hòa giải và tạo dựng lòng tin giữa Triều Tiên và các cựu thù, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật. Cần phải nhìn xa hơn là chỉ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, mà phải nỗ lực đạt được hiệp định hòa bình và hữu nghị giữa Triều Tiên và Mỹ, cùng với những hiệp định tương tự giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc biến Mỹ từ thù thành bạn, đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên, nên là những thành tựu để ông Kim Jong Un củng cố uy tín trong nước, thay vì sức mạnh quân sự. Mỹ nên yêu cầu Triều Tiên chấm dứt tuyên truyền chống Mỹ, là điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Khai thác khoáng sản và du lịch là hai ngành được cho là sẽ cần nhiều đầu tư một khi Triều Tiên mở cửa. Ảnh: Getty Images, Reuters.

Khai thác khoáng sản và du lịch là hai ngành được cho là sẽ cần nhiều đầu tư một khi Triều Tiên mở cửa. Ảnh: Getty Images, Reuters.

Về nhánh kinh tế, nới lỏng cấm vận sẽ phải song hành với việc Triều Tiên giải trừ vũ khí. Tới một lúc nào đó, lệnh trừng phạt nên được gỡ bỏ toàn bộ dù chưa phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhìn xa hơn nữa, chính sách này thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều như là một trụ cột vững chắc cho hòa bình và an ninh trên bán đảo. Sau khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Triều Tiên nên bắt đầu đàm phán về thương mại và đầu tư. Như vậy, thương mại và đầu tư chính là phần thưởng để Triều Tiên tuân thủ các thỏa thuận, và cũng là thứ tạo điều kiện cho 2 nhánh còn lại, kiểm soát vũ khí và hòa giải chính trị.

Khi ông Kim Jong Un và ông Donald Trump đến Hà Nội, họ nhìn thấy những ví dụ sống động về một nước từng nghèo đói có thể mở cửa, cải cách, và hợp tác tốt đẹp với thế giới như thế nào. Lịch sử quan hệ Việt – Mỹ trong 3 thập kỷ trở lại đây cho thấy đối thoại là chính sách có thể biến cựu thù thành những người bạn.

Trọng Thuấn
(theo National Interest)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-ten-lua-roi-dot-ngot-doi-thoai-giai-ma-chien-luoc-cua-ong-kim-post919315.html