'Thử thách Cá voi xanh' gieo nỗi kinh hoàng trên thế giới mạng

Một trò chơi được lan truyền trên mạng xã hội có tên 'Thử thách Cá voi xanh' (Blue Whale Challenge) đang gieo rắc nỗi lo lắng và ám ảnh cho nhiều gia đình học sinh ở châu Âu và châu Mỹ… trong thời gian vừa qua, với những thử thách đặt ra cho người chơi tăng dần và cấp cuối cùng là 'tự sát'. Đáng lo ngại hơn nữa, theo nhiều cư dân Facebook Việt, trò chơi này được cho là đã xuất hiện trong giới trẻ ở Tiền Giang.

Nghệ sĩ người Ấn Độ Sudarshan Patnaik đang tạo khẩu hiệu kêu gọi các bạn trẻ hãy tránh xa trò chơi "Thử thách Cá voi xanh" bằng cát trên bãi biển Bengal. Ảnh: Forbes

Theo CNN, Blue Whale Challenge được coi là trào lưu xúi giục tự tử, bắt nguồn từ Nga vào khoảng năm 2013. Bloomberg cho rằng tên trò chơi bắt nguồn từ ca khúc Burn của ban nhạc rock Lumen (Nga). Lời bài hát nói về cuộc đấu tranh của một con cá voi lớn để thoát khỏi tấm lưới.

Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách trong vòng 50 ngày, vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày. Người tham gia bị điều khiển bởi quản trị viên (admin), thực hiện các nhiệm vụ từ bình thường đến nguy hiểm, từ đơn giản đến "khó khăn" như: trao đổi thông tin trên mạng về cá voi xanh; xem phim Cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể; sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng con cá voi lên cánh tay hoặc chân... Vào ngày cuối cùng (ngày thứ 50), người chơi sẽ được cộng đồng mạng thừa nhận là “người chiến thắng” khi “dũng cảm” tự kết liễu đời mình (tự sát), giống như những con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời.

“Thử thách Cá voi xanh” trở thành trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời mình khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" trong năm 2016. Từ nước Nga, trò chơi nguy hiểm này đã lan rộng sang Mỹ, Brazil, một số nước Tây Âu, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra lời cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm cho con em mình từ trò chơi “Thử thách Cá voi xanh”.

Tờ Washington Post đưa tin vào ngày 8-7-2017 vừa qua, ông Jorge Gonzalez (Texas, Mỹ) đau đớn phát hiện con trai Isaiah Gonzalez (15 tuổi) chết tại nhà riêng trong tư thế treo cổ. Khi đó, điện thoại của Isaiah đang được dựng vào một chiếc giày và phát trực tiếp trên mạng xã hội. Gia đình Gonzalez tiếp tục bàng hoàng khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy Isaiah tự tử vì trào lưu "Cá voi xanh". Trước khi qua đời, nam sinh này đã gửi cho bạn bè những hình ảnh cậu thực hiện một số nhiệm vụ điên rồ của trò chơi này.

"Đó là những hành vi điên rồ mà con trai tôi chưa bao giờ làm", ông Jorge Gonzale chia sẻ khi nhìn những bức ảnh Isaiah gửi cho bạn bè. Gia đình cho hay họ không nhận thấy con trai có dấu hiệu muốn tự tử, thậm chí luôn tin rằng Isaiah sẽ có tương lai sáng phía trước vì cậu mới đăng ký học chương trình Quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (ROTC) ở trường.

Chưa đến 10 ngày sau đó, ngày 17-7-2017, CNN đưa tin gia đình của một nữ sinh 16 tuổi sống tại thành phố Atlanta (bang Georgia), được xem là những người Mỹ đầu tiên thiệt mạng vì "Cá voi xanh", tìm thấy nhiều vết tích liên quan trò chơi trong nhà họ như bức tranh cá voi, dòng chữ Rina Palenkova (tên một nạn nhân người Nga) cùng các mẩu giấy ghép thành câu "I am a blue whale" (Tôi là cá voi xanh).

Philipp Budeikin (21 tuổi, người Nga) được cho là kẻ cầm đầu diễn đàn về trò chơi này, đã bị bắt để điều tra vào tháng 5-2017, bị cáo buộc xúi giục ít nhất 16 thiếu nữ tự sát, theo hãng tin BBC. Bên cạnh đó, một quản trị viên khác của diễn đàn (admin) là Ilya Sidorov (26 tuổi) cũng bị tạm giam sau Budeikin vài tháng vì tội cổ vũ 30 cô gái tự tử, theo tờ Independent.

Trả lời phỏng vấn của Sky News, Oleg Kapaev - một người chơi may mắn thoát chết - nói rằng vì tò mò về trào lưu và không tin ma lực của nó nên anh quyết định tham gia. Nam sinh này cũng phải thực hiện loạt hành động đáng sợ, trong đó có tự cắt tay. Tuy nhiên, may mắn thay, cha mẹ Oleg kịp thời phát hiện hành động ngớ ngẩn của con trai nên đã ngăn cản anh nhảy từ tầng 20 xuống đất. "Admin sẽ bắt đầu thao túng tâm lý bạn một cách chuyên nghiệp, khiến bạn dần trở nên giống zombie", Oleg kể.

Anton Breido, quan chức cao cấp ủa Ủy ban Điều tra Nga, đã nhận định: "Nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng làm mọi thứ mà admin sai khiến, không cần biết nhiệm vụ kỳ lạ hay đáng sợ ra sao".

Trong diễn biến mới nhất có liên quan đến trò chơi kinh hoàng này, tại cuộc họp giao ban về thông tin, tuyên truyền, dư luận xã hội đầu tháng 4 vừa qua do Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) tổ chức, một số ý kiến ở cơ sở phản ánh rằng nhiều bậc phụ huynh lo lắng trước sự xuất hiện của trò chơi “Thử thách Cá voi xanh” trong học sinh nhiều trường học trong huyện. Cụ thể, có hiện tượng một số thanh thiếu niên trên địa bàn huyện, nhất là học sinh bậc THCS, có biểu hiện tham gia trò chơi này. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên internet.

Ngay sau khi được phản ánh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè đã có báo cáo đến Huyện ủy và UBND huyện. Đồng thời kiến nghị các địa phương, các ngành chức năng trong huyện, cha mẹ học sinh các trường quan tâm theo dõi, ngăn chặn học sinh, con em mình không tham gia trò chơi nguy hiểm này. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Cái Bè, Phòng Giáo dục huyện đã có công văn chỉ đạo tất cả các trường tiểu học và THCS trong huyện đặc biệt quan tâm theo dõi, ngăn chặn từ xa những biểu hiện học sinh tham gia trò chơi “Thử thách Cá voi xanh”.

Những trò chơi trên có thể khác nhau về hình thức thực hiện và mức độ nguy hiểm, song nhìn chung tất cả trào lưu kể trên đều hình thành và phát triển dưới sự tác động của mạng xã hội. Trong cuộc trao đổi với tờ Wired, tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Harry Stratyner cho rằng mục đích chính của thanh thiếu niên khi hùa theo các trào lưu nguy hiểm là được tung hô, trở thành tâm điểm chú ý, song đôi khi mọi chuyện lại kết thúc trong bi kịch. Bác sĩ Wendy Sue Swanson cũng có chung quan điểm với tiến sĩ Harry Stratyner khi được hỏi về ma lực của trò tẩy da bật máu: "Những đứa trẻ đang hành động theo đúng bản chất trẻ con của chúng. Thử thách này có phần liều lĩnh nhưng thực tế lại rất dễ tiếp cận bởi sự ảnh hưởng từ mạng xã hội. Người trẻ luôn cố gắng sống trong thế giới đó, thu hút sự chú ý của người khác cũng như thể hiện sức mạnh bản thân".

Thật vậy, chỉ vì những cái like, share trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ đã phải trả giá bằng cả mạng sống, để lại niềm đau không bao giờ nguôi cho người thân, bạn bè. Nhưng điều đáng buồn hơn cả là sau cái chết của họ, không ít người trẻ vẫn tiếp tục hủy hoại cuộc sống của mình bởi lý do tương tự, bất chấp mọi nỗ lực của các nhà chức trách, chuyên gia, gia đình lẫn giới truyền thông.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, rồi đây những trào lưu trò tiêu cực như "Thử thách cá voi xanh" có thể sẽ tiếp tục được lan tỏa qua Facebook, YouTube hay Snapchat. Vì thế, mỗi người dùng cần phải tỉnh táo, thông minh để bảo vệ chính mình và giúp đỡ người thân, bạn bè tránh khỏi những tác động tiêu cực từ thế giới ảo.

Yên Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272350/thu-thach-ca-voi-xanh-gieo-noi-kinh-hoang-tren-the-gioi-mang.html