Thử thách giảng dạy trực tuyến thời dịch Covid-19

Giải pháp giảng dạy trực tuyến được triển khai trong bối cảnh bị động nên ở nhiều cơ sở đào tạo đứng trước rào cản và thử thách lớn.

Dạy và học trực tuyến không phải là hình thức học tập mới, nhưng nhiều trường học tỏ ra lúng túng.

Trở ngại tâm thế dạy và học

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, cả thầy và trò cả nước, không ai nghĩ rằng sẽ xa nhau một thời gian dài đến như thế. Đã gần hai tháng (và còn chưa biết sắp tới ra sao), các trường học phải tạm thời đóng cửa để phòng dịch. Trong quãng thời gian đó, tâm lý hoang mang là không tránh khỏi. Việc nghỉ học lại được thông báo theo thời gian từng tuần, không thể tính toán trước theo kế hoạch cụ thể, càng khiến tâm trạng của giáo viên lẫn học sinh cảm thấy thêm bất an. Triển khai giảng dạy trực tuyến trong thời điểm này, vì thế, càng trở nên đặc thù gây trở ngại về mặt tâm lý.

Không khó để nhận ra tâm lý chưa sẵn sàng thích ứng với việc dạy và học trực tuyến từ phía nhà trường lẫn học sinh và gia đình. Nhà trường lúng túng trong các thao tác triển khai, giáo viên dè dặt trong việc thực hiện, học sinh và phụ huynh thì vừa chưa quen, vừa quan ngại tính hiệu quả. Thậm chí, ở một số nơi, xuất hiện cả thái độ bài xích, bất hợp tác của học sinh cùng gia đình, càng khiến cho việc triển khai giảng dạy trực tuyến thêm phần khó khăn.

Phàm làm việc gì, thái độ thực hiện luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả. Thế nên, để việc giảng dạy trực tuyến có được hiệu quả như mong đợi, trước hết phải thay đổi tâm thế thực hiện của các bên có liên quan. Tuy nhiên, nhiều trường học chưa làm tốt khâu truyền thông, tuyên truyền, để giáo viên lẫn học sinh và gia đình hiểu được những lợi ích từ giáo dục trực tuyến, nhất là trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay. Xây dựng tính tích cực, chủ động, tự giác của người học là điều kiện vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, nếu làm tốt công tác tư tưởng ngay lúc đầu thì khi tiến hành thực hiện, sẽ bớt được một rào cản vô cùng quan trọng: ý thức của người thực hiện.

Nhọc nhằn xây dựng kỹ năng

Như đã chia sẻ ở trên, việc dạy và học trực tuyến đang diễn ra trong hoàn cảnh gần như bị động. Ngoài các trường học trước đây từng áp dụng một phần giáo dục trực tuyến trong tổng thể quá trình dạy và học, thì các trường học khác, khi lần đầu triển khai giảng dạy trực tuyến, cần tính đến quá trình xây dựng kỹ năng cho giáo viên và học sinh.

Thế nhưng, nhiều cơ sở đào tạo dường như xem nhẹ bước đi này hoặc chỉ nghĩ đơn giản “dạy trực tuyến thì dạy thôi, học trực tuyến thì học thôi”. Bởi vậy, nhiều trường để giáo viên tự bơi, tự mày mò tìm hiểu, tự loay hoay triển khai, hoặc nếu có tổ chức tập huấn thì lại sơ xài, chiếu lệ, qua loa hình thức.

Giáo viên khi giảng dạy trực tuyến thì cũng chỉ chăm chăm sao cho kịp nội dung bài học, kiến thức cần đạt, mà quên hướng dẫn cho học trò những kỹ năng cần thiết cho một phương pháp học tập mới. Bên cạnh đó, hàng loạt những kỹ năng cơ bản trong học trực tuyến như: kỹ năng tập trung trong môi trường số; kỹ năng thu nhập – xử lý – lưu trữ thông tin; kỹ năng làm việc nhóm online; kỹ năng giao tiếp/ tương tác trong không gian số… chưa được học sinh biết đến để tạo hiệu quả trong việc học.

Vì vậy, dù nôn nóng sớm có được những buổi học trực tuyến, nhưng chúng ta phải dành thời gian đầu cho việc giới thiệu sơ qua về các kỹ năng cần thiết đối với người dạy lẫn người học, cố gắng xây dựng và bồi đắp các kỹ năng này trong suốt quá trình dạy và học. Khi có kỹ năng phù hợp, phương pháp giáo dục trực tuyến mới phát huy tối đa lợi ích.

Lúng túng bài toán công nghệ

Một rào cản thường gặp nữa là về cơ sở vật chất, đặc biệt là về công nghệ cho quá trình giáo dục trực tuyến. Tuy không phải là hình thức học tập mới, nhưng do được triển khai trong hoàn cảnh bị động nên nhiều trường học tỏ ra lúng túng khi lựa chọn mô hình thực hiện. Mọi thứ càng khó khăn hơn khi các trường để giáo viên mạnh ai nấy làm, mỗi giáo viên tự chọn giải pháp cho riêng mình. Giáo viên thì mỗi người một quan điểm cho rằng phần mềm mà mình lựa chọn tối ưu hơn, hỗ trợ học sinh hiệu quả hơn.

Có thể nói, chính sự không đồng bộ trong hình thức triển khai, khiến cho học sinh mất nhiều thời gian một cách vô lý. Chẳng hạn, nếu học sinh học trực tuyến ba môn học của ba thầy cô nhưng với ba hình thức phần mềm, người học phải mất thời gian cho việc tạo ba tài khoản, làm quen ba giao diện và kéo theo đó là hàng loạt thao tác, kỹ năng sử dụng khác nhau. Điều này rõ ràng đã làm giảm hiệu quả học tập của người học. Chính vì thế, rõ ràng, sự đồng bộ trong triển khai là vô cùng cần thiết.

Ngoài ra, các trường cũng cần tính đến các nguy cơ an toàn công nghệ, an ninh mạng, trong quá trình thực hiện giáo dục trực tuyến. Trên thực tế, vấn đề này thường bị xem nhẹ ở nhiều trường học. Tâm lý chủ quan này hoàn toàn có thể lý giải, vì nhiều người vẫn hay nghĩ rằng giáo dục là khu vực ít xảy ra tình trạng mất an toàn an ninh mạng. Tuy vậy, đây là lối nghĩ cần tránh.

Giảng viên TRẦN XUÂN TIẾN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-thach-giang-day-truc-tuyen-thoi-dich-covid-19-111887.html