Thủ Thiêm: Đất bị thu hồi trái luật mà... lỡ nhận tiền đền bù, thì sao?

Theo kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Thanh tra Chính phủ công bố tối 7.9 vừa qua, phần diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với báo chí vào sáng 8.9, ông Lê Văn Lung, đại diện 9 hộ dân khiếu kiện, đã bị thu hồi lố 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, ngoài ranh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho rằng kết luận này sẽ củng cố chứng cứ, tạo căn cứ vững chắc cho vụ kiện của ông.

Ông Lê Văn Lung chỉ vị trí 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm. Ảnh: Vietnamnet

Vì vậy, ông Lung và một số hộ dân khác trông chờ TP.HCM có phương án giải quyết thấu đáo quyền lợi của các hộ dân trong 4,3ha nằm ngoài ranh dự án. Cùng đó là việc xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân có sai phạm, dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trong nhiều năm qua.

Mặt khác, ông Lung cho biết nhiều trường hợp khác cũng nằm ngoài ranh quy hoạch và kiến nghị xem xét lại nội dung này.

Ngoài các trường hợp đang theo đuổi khiếu kiện, còn khoảng hơn 100 hộ khác (trong khu đất 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch này), cũng đã di dời hoặc bị cưỡng chế di dời và chấp nhận phương án đền bù.

Bình luận về quyền lợi của những hộ dân này luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư TP.HCM nói:

Luật sư Lê Trung Phát.

Xuyên suốt các thời điểm ban hành, Luật đất đai đều quy định rõ trình tự thủ tục thu hồi đất. Đi kèm là cơ chế tính giá đền bù, hỗ trợ theo giá nhà nước hay giá thị trường. Như vậy yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là “có quyết định thu hồi đúng luật”.

Nếu việc thu hồi không đúng luật rõ ràng sẽ gây ảnh huởng rất lớn đến người trực tiếp sử dụng đất, khiến họ bị đảo lộn về cuộc sống, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là làm xáo trộn đến cuộc sống hiện tại của họ, nhiều gia đình phải di chuyển chỗ ở, không có công cụ sản xuất, không được hỗ trợ, đền bù đúng với quy đinh của pháp luật.

Vậy cơ chế nào để trả lại quyền lợi chính đáng cho những người dân này, theo ông?

Thông thường, đứng trước các quyết định hành chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án để giải quyết. Nếu quyết định hành chính bị ban hành trái với quy định của pháp luật, thì tòa án có thể ban hành bản án bằng việc hủy quyết định nói trên.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải thi hành. Lúc này đất sẽ lại thuộc về quyền sử dụng của người trước đó bị thu hồi. Riêng trường hợp trước đó có liên quan đến việc đền bù, thì tôi nghĩ nó cũng giống như một giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu, các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp nếu các bên có tìm được tiếng nói chung về giá đền bù, hỗ trợ thì lúc đó có thể được ghi nhận sự thỏa thuận. Nếu việc nhận đền bù với số tiền ít, đất chưa giao cho các tổ chức khác sử dụng, thì tính khả thi cho việc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sẽ rất cao.

Đối với những vụ án hành chính đã có hiệu lực (bất lợi cho nguyên đơn là người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định pháp luật) mà việc xét xử của các cấp tòa thì lại căn cứ vào các văn bản pháp lý ban hành trái pháp luật của chính quyền TP.HCM trong thời gian qua thì xử lý như thế nào?

Trong những trường hợp như vậy, dựa vào kết quả thanh tra, người dân bị xâm phạm quyền lợi có thể làm đơn gửi lên Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xem xét việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Vì dựa vào kết quả kiểm tra, được xem như là tình tiết mới để làm cơ sở kháng nghị nếu có).

Thượng Tùng - Trung Dũng thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thu-thiem-dat-bi-thu-hoi-trai-luat-ma-lo-nhan-tien-den-bu-thi-sao-15366.html