Thư thời chiến - di sản cho hôm nay và mai sau

Cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước của dân tộc đã lùi xa 45 năm. Trong cuộc chiến trường kỳ ấy, cha ông ta đã để lại nhiều kỷ vật đã trở thành 'di sản' mà phần lớn là những bức thư thời chiến. Đã gần nửa thế kỉ trôi qua, những lá thư ấy vẫn còn nguyên giá trị bởi nó lưu giữ tình yêu Tổ quốc, tình cảm gia đình, lứa đôi cùng khát vọng hòa bình và lý tưởng sống của cha anh gửi đến thế hệ mai sau.

Những lá thư này người viết đề cập tới được giới thiệu qua cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” nằm trong Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn.

Kỳ 1: Bức thư riêng đầy lớn lao của Bác Hồ

Trong “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, có thể kể đến rất nhiều những lá thư tiêu biểu. Một trong số đó phải kể đến thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng khi con trai ông là anh Vũ Văn Thành hy sinh khi bảo vệ chợ Hôm (Hà Nội) trong những ngày Thủ đô kháng chiến đầu năm 1947.

Bức thư này Người viết cho cá nhân để chia sẻ tình cảm riêng tư nhưng đã để lại những tình cảm sâu sắc, trở thành vật báu quý giá không chỉ của riêng gia đình đó mà là của cả dân tộc.

Bác sĩ Vũ Đình Tụng (1895 - 1973) là một trí thức và một tín đồ Công giáo, Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương binh trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hai người con trai của ông là Vũ Văn Thành và Vũ Đình Tín đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Khi biết tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ bác sĩ Trần Duy Hưng mang thư chia buồn đến gia đình ông.

Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng (Ảnh tư liệu).

Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng (Ảnh tư liệu).

Theo hồi ức của bác sĩ Vũ Đình Tụng, cả ngày hôm ấy, tháng Chạp năm 1946, ông đã phải mổ cưa gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ nhưng đến trường hợp con trai ông là liệt sĩ Vũ Văn Thành, thần kinh ông căng lên một cách kinh khủng. Mấy y tá giúp việc khuyên bác sĩ Vũ Đình Tụng nên nghỉ tay, nhưng ông vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trong người liệt sĩ Vũ Văn Thành.

Xong việc, ông loạng choạng rời khỏi bàn mổ. Các bác sĩ và những người giúp việc đã cố gắng hết sức nhưng vết thương do quân thù gây ra quá nặng đã cướp mất con trai út của ông - một chiến sĩ "sao vuông" còn rất trẻ. Anh của Thành, Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu cũng vừa bị mất sau ngày Tổng khởi nghĩa, khiến bác sĩ Vũ Đình Tụng đau đớn đến bàng hoàng.

Một buổi chiều trời rét cắt da, sau đêm Noel, vào lúc bác sĩ Vũ Đình Tụng vừa mổ xong một ca thương binh nhẹ thì bác sĩ Trần Duy Hưng (lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ) trân trọng trao cho ông một bức thiếp của Hồ Chủ tịch được gói trong giấy báo cũ. Khi đó, Bác gọi ông là "Ngài".

Người viết:

"Thưa Ngài, tôi được báo cáo rằng: Con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước - Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 01/1947

Hồ Chí Minh"

Bác bận trăm công nghìn việc là thế nhưng Bác vẫn nghĩ đến một gia đình đang có tang như hàng vạn gia đình khác. Việc làm này khiến bác sĩ Vũ Đình Tụng rất xúc động, sau đó, ông theo Bác lên Việt Bắc - căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trở thành một người thầy thuốc giỏi, một Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội của nước Việt Nam mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chủ nhân của những “mệnh lệnh”, những quyết định lịch sử mà còn là tác giả của những bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao chia sẻ với mất mát của gia đình các liệt sĩ. Máu của các anh hòa vào dòng sông, con suối, di hài các anh hóa vào đất nước, quê hương.

Đằng sau nụ cười ngày chiến thắng là những dòng nước mắt chảy vào trong, là nỗi đau đớn đến bàng hoàng của những người cha, người mẹ mất con như bác sĩ Vũ Đình Tụng, là nỗi đau như “đứt một đoạn ruột” của người cha già kính yêu.

Bức thư tuy nhỏ bé mà lớn lao, bình dị mà thiêng liêng, mộc mạc mà nghĩa tình. Lá thư chứa đầy tình thương mênh mông của người đứng đầu Chính phủ đã làm vơi đi nỗi đau của những gia đình như gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng, đã trở thành bài học quý cho thế hệ mai sau.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thu-thoi-chien-di-san-cho-hom-nay-va-mai-sau-107564.html