Thủ thuật 10 giây của 'supercommunicator'

Dù là làm quen bạn mới hay cố gắng để buổi hẹn hò đầu tiên bớt gượng gạo, việc phải trò chuyện với một người xa lạ dễ khiến người ta lo lắng.

Trong những cuộc trò chuyện ban đầu, nhiều người sợ mình sẽ nói chuyện quá nhạt, lo lắng không biết phải hỏi điều gì hoặc sợ đầu óc mình trống rỗng khi người ta đề cập đến chuyện gì đó.

Charles Duhigg, tác giả của cuốn sách bán chạy "The Power of Habit" (Sức mạnh của thói quen), mới đây đã ra mắt cuốn sách mới có tên "Supercommunicators" (Nhà giao tiếp siêu tốc) - giúp người đọc có thể trở thành những người trò chuyện tốt hơn.

Duhigg nói với Business Insider rằng có một mẹo đã được nghiên cứu chứng minh là hiệu quả "bất cứ khi nào bạn cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng vì phải trò chuyện với ai đó", đó chính là nghĩ trước về chủ đề mình muốn nói.

Và chỉ tốn 10-20 giây để có thể áp dụng mẹo này.

"Nếu sắp phải tham dự một bữa tiệc hay sắp đi làm ở công ty mới, hãy ghi lại ít nhất 3 chủ đề hữu ích để trò chuyện", Duhigg nói về mẹo giao tiếp hiệu quả để bản thân nắm thế chủ động.

Ông học được điều này từ Alison Wood Brooks, phó giáo sư và nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard, người đang nghiên cứu tác động của việc chuẩn bị trước chủ đề.

 Việc nghĩ trước chủ đề chung, thứ mình muốn chia sẻ sẽ giúp bạn chủ động trong giao tiếp, tránh "khoảng im lặng khó chịu". Ảnh: iPrice Group/Pexels.

Việc nghĩ trước chủ đề chung, thứ mình muốn chia sẻ sẽ giúp bạn chủ động trong giao tiếp, tránh "khoảng im lặng khó chịu". Ảnh: iPrice Group/Pexels.

Brooks nói với Business Insider rằng nghiên cứu của cô vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, 3 nghiên cứu về các cuộc trò chuyện trực tiếp, mặt đối mặt đã phát hiện ra rằng người nói sẽ tự tin và khéo léo hơn nếu họ suy nghĩ trước về các chủ đề linh hoạt. Chuẩn bị trước sẽ giúp bạn bình tĩnh và có kỹ năng trò chuyện tốt hơn.

Trong cuốn sách của mình, Duhigg đã gợi ý những lựa chọn cho các chủ đề khả thi:

- Hai chủ đề bạn có thể thảo luận là gì? (Ví dụ các chủ đề chung như trận đấu tối qua hoặc chương trình truyền hình yêu thích).

- Một điều bạn mong muốn nói ra là gì?

- Một câu bạn sẽ hỏi là gì?

Theo Duhigg, đừng dành quá nhiều thời gian để nghĩ ra chủ đề hay ho nhất, bởi khả năng cao là bạn không tìm được.

Chuẩn bị trước chủ đề bạn muốn nói sẽ như một điểm tựa, giúp bạn giảm bớt sự lo lắng và bối rối. "Nếu có một khoảng im lặng khó chịu, bạn sẽ biết chính xác mình muốn đề cập đến điều gì tiếp theo", Duhigg giải thích.

Theo ông, càng bình tĩnh và thoải mái, chúng ta càng dễ kết nối với người khác và có một cuộc trò chuyện tuyệt vời.

Brooks nói với tờ The New York Times rằng bạn không nhất thiết phải viết trước các chủ đề. "Thậm chí chỉ nghĩ về một hoặc hai ý tưởng trong 20 giây trước cuộc trò chuyện cũng có thể hữu ích", cô nói.

Theo Duhigg, điều này nghe có vẻ gượng ép và máy móc, nhưng nó là kỹ thuật tuyệt vời giúp tạo ra kết nối sâu sắc với ai đó. "Nếu tôi quan tâm đến việc giao tiếp với ai đó tới mức nghĩ trước chủ đề thì đó không phải là thiếu trung thực. Tôi muốn cho họ thấy mình muốn kết nối với họ thế nào".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-thuat-10-giay-cua-supercommunicator-post1461637.html