Thu tiền sử dụng đất đạt 57,9 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến 15/5, thu tiền sử dụng đất đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm, là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 ngành Tài nguyên và Môi trường, diễn ra sáng 10/7, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam phải đối mặt khó khăn thách thức về mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội do tác động của dịch COVID-19. Trong bối cảnh chung của cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có những đề xuất rất kịp thời các biện pháp hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện đầu tư; đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường; khuyến nghị các địa phương giải pháp chủ động trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng...

Một trong những điểm sáng được Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh là đã huy động được sự tham của toàn ngành, trong quá trình thực thi pháp luật để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý; trong đánh giá của người dân, doanh nghiệp.

Các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến 15/5/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động, tăng trưởng mới của đất nước có thể kể đến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Mặc dù, bảo vệ môi trường đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm; nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo được những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ.

Đáng chú ý, Bộ TN&MT đã chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các Sở TN&MT, Bộ TN&MT; có thể theo dõi trên các thiết bị di động. Đặc biệt, đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với tư duy cách mạng, chính sách đột phá sẽ là quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác BVMT trở thành trung tâm của quá trình phát triển bền vững.

Nhấn mạnh việc dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn năm 2016 nhưng thiệt hại chỉ bằng 1/10 so với năm 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành Khí tượng thủy văn đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đại diện Bộ TN&MT cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài như: Nghị định số 25 tháo gỡ nút thắt liên quan đến giao đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất; Nghị định số 41 về gia hạn nộp tiền sử dụng đất; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;...

“Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai…trình Chính phủ tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn cho phát triển”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ TN&MT chủ động, linh hoạt trong quá trình điều hành vĩ mô như xây dựng Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KCN, đô thị để đón làn sóng đầu tư; Bộ cũng ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn các địa phương trong tổ chức thực hiện, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận cho loại hình kinh doanh bất động sản du lịch,…

Đặc biệt, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh. Có 33 dịch vụ công mức độ 4, đạt 30% số dịch vụ hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 ngày 1/1/2020; hoàn thành trước 6 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019-2020.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất nhiều, dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ liên quan đến thể chế, chủ động từ thể chế, chính sách để tiếp tục tháo gỡ các "điểm nghẽn", thúc đẩy cải cách, đổi mới; đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thu-tien-su-dung-dat-dat-579-nghin-ty-dong-20200710105040860.htm