Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Từ 1/1/2021 chính thức chấm dứt dịch vụ đòi nợ thuê

Tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 10 Luật mới được Quốc hội thông qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong Luật Đầu tư (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 1/1/2021, dịch vụ đòi nợ thuê phải chấm dứt hoạt động.

Dừng dịch vụ đòi nợ thuê từ 1/1/2021

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được cấp phép vẫn được tiếp tục hoạt động đến thời điểm Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực là 1/1/2021. Do hầu hết các doanh nghiệp này đều đăng ký nhiều hình thức kinh doanh nên sau 1/1/2021, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Luật cũng tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, Luật tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư kinh doanh như bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5000 tỷ đồng trở lên và không áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của cá nhân, hộ gia đình.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Ngoài Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng trong sáng 10/7, 9 luật khác cũng được công bố, gồm: Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Luật Thanh niên, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng chống thiên tai và đê điều (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Luật Doanh nghiệp 2020 sửa đổi khái niệm DNNN để xách định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ để có cách thức quản lý, giám sát phù hợp.

Luật cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích, đảm bảo tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước.

Về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), theo ông Nguyễn Trường Giang – Phó Tổng thư ký Quốc hội, Luật tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Luật cũng bổ sung quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, hoàn thành trước 1/7/2021.

Chưa thành lập Bộ Thanh niên

Tại buổi họp báo, trao đổi về ý kiến thành lập Bộ Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét và thống nhất trong thời điểm hiện tại việc thành lập Bộ Thanh niên là chưa phù hợp.

Do đó, hiện tại Chính phủ vẫn quản lý thống nhất về thanh niên, trong đó giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với lĩnh vực này. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ có cơ chế phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan để quản lý toàn diện các hoạt động của thanh niên.

Về Luật Giám định Tư pháp (sửa đổi), theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Luật có nhiều điểm mới quan trọng nổi bật. Luật này quy định, trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố.

Quy định này nhằm huy động các chuyên gia có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao tham gia hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Để khắc phục tình trạng kéo dài thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án nhất là án tham nhũng, kinh tế ảnh hưởng tới tiến độ xét xử các vụ án này, Luật đã quy định thời gian giám định là 3 tháng. Trường hợp có tính chất phức tạp, khối lượng công việc lớn thì thời gian giám định tối đa là 4 tháng. Nếu phải gia hạn thì không quá ½ thời gian giám định tối đa với loại việc đó.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cho phép HĐND cấp huyện ban hành Nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới. Luật bổ sung trường hợp “Nghị quyết của Quốc hội giao” thì UBND, HĐND cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản QPPL.

.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-tu-1-1-2021-chinh-thuc-cham-dut-dich-vu-doi-no-thue/859799.antd