Thứ trưởng Bộ Lao động nói gì về thông tin 'bịa' chỉ tiêu việc làm để lừa đảo?

Trước ý kiến về một số chỉ tiêu lao động và việc làm gây chú ý dư luận vừa qua (bịa, không đáng tin cậy, lừa thiên hạ...), ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

- Thưa Thứ trưởng, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dùng những chỉ tiêu nào để đánh giá chất lượng nguồn lao động?

Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực người ta phải dùng rất nhiều chỉ tiêu, không phải một chỉ tiêu đơn lẻ là có thể đo lường được nó.Đối với ILO, tôi thấy ít nhất có hai bộ chỉ tiêu đã được sử dụng.

Bộ chỉ tiêu thứ nhất là nằm trong bộ Các chỉ tiêu chính của thị trường lao động- Key Indicators of Labour Market do ILO công bố hàng năm đối với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong bộ chỉ tiêu này, chỉ tiêu số 14- Trình độ cao nhất đạt được và tình trạng mù chữ của lực lượng lao động. Phân loại lao động từ không được đi học, học tiểu học, trung học cho đến thạc sĩ, tiến sĩ. Việc chỉ tính trình độ đào tạo cao nhất cho phép không tính trùng khi người lao động tham gia nhiều trình độ đào tạo khác nhau, mỗi người lao động qua đào tạo chỉ tính một lần và phản ánh chính xác số lao động đã qua đào tạo ở trường lớp.

Tuy nhiên, hạn chế của chỉ tiêu này là phải chăng chỉ có trường lớp mới làm giàu kỹ năng cho người lao động và chỉ có lao động qua trường lớp mới đại diện cho chất lượng của nguồn lao động? Những người thợ cả, có kinh nghiệm làm việc 5-10 năm phải chăng kỹ năng không bằng một cậu phó nhỏ học nghề mộc 3 tháng? Những làng nghề nổi tiếng của Việt Nam với việc truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác - ví dụ như mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) lại không bằng một khóa đào tạo nghề mây tre đan được cấp chứng chỉ tổ chức trong vòng 3-5 tháng?

Ở đây có hai vấn đề. Một là nhấn mạnh việc chỉ những người có bằng cấp, chứng chỉ tức là phủ nhận truyền thống đào tạo qua truyền nghề, tập nghề, đào tạo tại nơi làm việc của nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Hai là có hơi hướng của việc sính bằng cấp.

Chính vì vậy, ILO cũng có bộ chỉ tiêu thứ hai là Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp được hoàn thiện và công bố nhiều lần và lần công bố gần đây nhất là năm 2008.Bộ tiêu chuẩn này thường được biết đến như là ISCO-08.

Theo bộ tiêu chuẩn này, lao động được chia thành các nhóm có kỹ năng cao, kỹ năng trung bình và không có kỹ năng. Với cách phân loại này đã khắc phục được hạn chế của việc phân loại lao động chỉ căn cứ vào bằng cấp mà họ đạt được, đã thừa nhận việc đào tạo tại nơi làm việc có vai trò quan trọng trong biến người lao động không lành nghề thành người lao động lành nghề, mà việc truyền nghề này diễn ra liên tục, phù hợp với việc xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của UNESCO là “Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng không phải là học theo cách nào mà là học cái gì và học được cái gì”.

Tất nhiên là hai bộ chỉ tiêu này bổ sung cho nhau và ILO cũng như các nước thành viên của ILO hiện nay vẫn đang sử dụng. Không có chỉ tiêu nào kết thúc sứ mệnh lịch sử cả .Việc học qua trường lớp là quan trọng vì ở đó các kinh nghiệm, kỹ năng đã được đúc kết thành chương trình đào tạo, thành bài giảng giúp cho việc hiểu biết lý thuyết và nâng cấp kỹ năng được nhanh hơn.

Soi vào thực tiễn của Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung chính là tính tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp dưới tên gọi tỷ lệ lao động có kỹ năng từ trung bình trở lên vì đã tính đến cả số lao động qua đào tạo tại nơi làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chính là tính theo chỉ tiêu số 14 về trình độ giáo dục cao nhất đạt được trong bộ chỉ tiêu về thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Doãn Mậu Diệp

- Vậy thì những bàn luận về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ như những bàn luận ồn ào hiện nay về bản chất là gì, thưa Thứ trưởng?

Tôi nghe Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội báo cáo lại là Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam khi được hỏi về các tranh luận xung quanh các chỉ tiêu này đã đưa ra lời khuyên, Việt Nam với tư cách là một thành viên của ILO nên tuân thủ những hướng dẫn của ILO. Hướng dẫn của ILO là sử dụng cả hai chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực và hiện nay chúng ta đang làm như vậy.

Vậy thì đừng hốt hoảng khi thấy có những bình luận xung quanh việc phải “kết liễu” chỉ tiêu này hoặc chỉ dùng chỉ tiêu nọ. Quan điểm của cá nhân tôi, phù hợp với hướng dẫn của ILO là phải sử dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu, tất nhiên có thể chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp.

- Nhưng thậm chí có ý kiến cho rằng các con số đưa ra là bịa hoặc lừa thiên hạ. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Có lẽ những người đưa ra ý kiến đó không phải là người trong cuộc và chưa tìm hiểu kỹ các chỉ tiêu này được tính toán và báo cáo như thế nào.

Từ năm 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”, và việc này Bộ giao Cục Việc làm, không giao Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Để tổng hợp tính toán chỉ tiêu này, Cục Việc làm dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục Việc làm triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động, do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình. Từ cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%.

Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình chứ không ai bịa ra số liệu này cả và có ý định lừa thiên hạ cả.

Ảnh minh họa

- Hàng năm Tổng cục Thống kê đều tổ chức điều tra lao động việc làm. Bộ có đối chứng với các số liệu do Tổng cục Thống kê điều tra không để đảm bảo độ tin cậy của số liệu, thưa ông?

Hàng quý, Tổng cục Thống kê đều tổ chức điều tra chọn mẫu về lao động việc làm. Phiếu điều tra lao động việc làm hàng năm đã thiết kế các câu hỏi liên quan để có thể tính toán được chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, không có bằng cấp chứng chỉ và đã áp dụng hệ thống tiêu chuẩn phân loại nghề nghiệp quốc tế của ILO.

Kết quả cho thấy, số liệu cập nhật từ cơ sở dữ liệu Cung lao động do Bộ Lao động tổ chức và số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê tiến hành là không có mâu thuẫn, tương đối đồng nhất.

Tôi cho rằng đừng quá tự ti về chất lượng lao động của Việt Nam, đừng hoảng sợ khi có người nói chỉ có 23% lao động qua đào tạo vì cách nhìn như vậy là phiến diện và chưa đầy đủ

- Liên quan đến đào tạo nghề, có ý kiến cho rằng có người ở Mèo Vạc- Hà Giang được đào tạo đến 3 nghề, chẳng nghề nào gắn với nhau gây lãng phí?

Trước hết tôi phải nói rằng việc một người phải làm nhiều nghề, nhiều việc cũng là bình thường không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Chuyên gia nào nói như vậy có lẽ không phải chuyên gia về kinh tế lao động, kinh tế việc làm.

Luật pháp các nước đều có quy định về người làm việc không trọn thời gian, người làm việc với nhiều người sử dụng lao động. Phiếu khảo sát về lao động-việc làm của các nước và của Việt Nam đều có câu hỏi về việc làm chính và thời gian, thu nhập từ việc làm chính; các việc làm thứ hai, thứ ba và thu nhập từ việc làm thứ hai, thứ ba. Nói vậy để thấy đây không phải là hiện tượng hiếm gặp.

Ngay tại Việt Nam, Điều 34 Bộ Luật lao động quy định về người lao động làm việc không trọn thời gian; Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội quy định người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động đầu tiên. Làm nhiều công việc ở khu vực nông thôn cũng để tận dụng hết thời gian là bình thường.

Do vậy, biết nhiều nghề, biết làm nhiều công việc không phải là hiện tượng cá biệt; và để thực sự nâng chất lượng nhân lực, sử dụng đầy đủ thời gian lao động, việc một người lao động học nhiều nghề cũng là cần thiết.

- Có ý kiến nói rằng không nên giao các chỉ tiêu dạy nghề vì lãng phí và chỉ để nuôi sống các cơ sở dạy nghề. Ý kiến Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng đây là ý kiến cực đoan. Chất lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tiềm lực quốc gia, là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất, đóng góp vào việc quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trách nhiệm của Nhà nước là gì nếu không chăm lo cho nâng cao chất lượng nhân lực thông qua xây dựng và tổ chức các chương trình, kế hoạch đào tạo cho người dân? Chất lượng nhân lực có thể được nâng cấp thông qua đào tạo tại trường lớp và đào tạo tại nơi làm việc.

Đào tạo tại trường lớp giúp cho nâng cấp kiến thức, lý thuyết lý luận nhanh hơn, bài bản hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian và công sức của người học, người dạy.Thực hành tại nơi làm việc giúp cho kỹ năng hoàn thiện nhanh hơn.Đó là đào tạo lấy bằng cấp, chứng chỉ.Tất nhiên vẫn rất coi trọng đào tạo thông qua công việc, nhưng cả thế giới này vẫn phải tổ chức đào tạo, cấp bằng đó thôi.

Chỉ tiêu về việc làm mãi mãi là chỉ tiêu quan trọng đối với các quốc gia, chỉ có điều thiết kế chỉ tiêu như thế nào để đo đếm được và kiểm chứng được. Thành tựu tạo việc làm là thành tựu mà mọi nước đều quan tâm, không nên ngạc nhiên và nghi ngờ việc các nước công bố chỉ tiêu tạo việc làm mới.

Đối với lĩnh vực việc làm, có ba chỉ tiêu là tổng số việc làm mới được tạo ra, tổng số việc làm mất đi, tổng số việc làm tăng thêm (bằng số mới được tạo ra trừ số bị mất đi), nhưng định nghĩa phải rõ ràng. Đây chính là thước đo thành tựu việc làm của nền kinh tế; và được tính toán khoa học, như khảo sát doanh nghiệp, suy rộng, xây dựng mô hình/ công thức để ước tính.

Thời gian qua, Việt Nam dùng khái niệm có thể gây nhầm lẫn như số người được giải quyết việc làm và cách tính chưa thực sự khoa học và cần sửa đổi cùng với định nghĩa rõ ràng, tránh hiểu nhầm và gây nghi ngờ.

Thí dụ khi kinh tế trồi sụt, số người được giải quyết việc làm tại sao lại cau thế. Rất dễ hiểu, số người được giải quyết việc làm tăng vì sa thải nhiều, mất việc lắm, phải làm việc mới với chất lượng không cao, làm việc ở khu vực phi kết cấu thay vì làm việc ở doanh nghiệp. Kinh tế càng ổn định, hợp đồng lao động càng bền vững thì số lượng người có yêu cầu giải quyết việc làm sẽ không tăng đột biến. Tuy nhiên, số người được giải quyết việc làm là chỉ tiêu quản trị thị trường, không phải là chỉ tiêu đo thành tựu của nền kinh tế.

Mặc dù hiện nay chỉ tiêu số người được giải quyết việc làm không còn là chỉ tiêu quốc gia, nhưng để đo lường thành tựu việc làm của phát triển kinh tế-xã hội vẫn cần nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính và công bố các chỉ tiêu việc làm mới tạo ra, việc làm mất đi, việc làm tăng thêm. Chỉ tiêu số người giải quyết việc làm có lẽ nên chỉ sử dụng trong nội bộ ngành lao động để quản trị thị trường, đo lường mức biến động của thị trường lao động.

Xuân Hưng (ghi)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/thu-truong-bo-lao-dong-noi-gi-ve-thong-tin-bia-chi-tieu-viec-lam-de-lua-dao-617121/