Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Solomon, cảnh báo các đảo quốc TBD nguy cơ xung đột

Chuyến đi của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đến Quần đảo Solomon diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng xây dựng lại quan hệ ngoại giao ở Thái Bình Dương - khu vực Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.

Ngày 7-8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Quần đảo Solomon nhân kỷ niệm 80 năm Trận chiến Guadalcanal trong Thế chiến II, theo hãng tin AFP. Tại đây, bà Sherman đã cảnh báo các đảo quốc Thái Bình Dương về nguy cơ xảy ra xung đột ở khu vực này.

Theo AFP, khi tham dự buổi lễ tưởng niệm Trận chiến Guadalcanal ở Quần đảo Solomon, bà Sherman có lưu ý rằng "một số người trên khắp thế giới" đã quên đi cái giá phải trả của chiến tranh, hoặc bỏ qua những bài học của quá khứ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (giữa) chụp ảnh với các đại biểu và đại diện Nhật tại lễ kỷ niệm 80 năm Trận chiến Guadalcanal tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon vào ngày 7-8. Ảnh: AFP

Bà Sherman đả kích "những nhà lãnh đạo tin rằng ép buộc, áp lực và bạo lực là những công cụ được sử dụng để không bị trừng phạt", tuy nhiên không nêu đích danh bất kỳ nhà lãnh đạo nào.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman lo ngại tình hình thế giới thời điểm này dường như có phần mang dư âm của cuộc chiến chống Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật trong những năm 1930-1940, đồng thời kêu gọi khu vực cảnh giác ngăn chặn không để tái diễn việc này.

“Chúng tôi nhớ lúc đó những quan điểm như vậy đã phá sản như thế nào, trống rỗng như thế nào, và vẫn kéo dài cho đến ngày nay” – AFP dẫn lời bà Sherman.

"Ngày nay chúng ta lại một lần nữa can dự vào một kiểu đấu tranh khác - cuộc đấu tranh sẽ tiếp diễn trong một thời gian tới" – theo bà Sherman.

Chuyến đi của bà Sherman đến Quần đảo Solomon diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng xây dựng lại quan hệ ngoại giao ở Thái Bình Dương - khu vực Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.

Theo AFP nhận xét thì Quần đảo Solomon là nơi ảnh hưởng của Mỹ suy yếu rõ ràng nhất. Chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare gần đây đã ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc.

Bà Sherman nói rằng Mỹ muốn tăng cường hợp tác với các đảo "cực kỳ quan trọng" ở Thái Bình Dương, trong đó có các hành động mở các đại sứ quán ở Tonga, Kiribati và Quần đảo Solomon.

Có thông tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mời các lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương đến Nhà Trắng họp thượng đỉnh vào tháng 9, một động thái mà theo AFP là một phần của “cuộc tấn công quyến rũ”.

Bộ trưởng An ninh và Cảnh sát Quần đảo Solomon – ông Anthony Veke hoan nghênh điều mà ông gọi là sự "tái can dự" của Mỹ với đất nước ông và với khu vực. Tuy nhiên, ông kêu gọi Mỹ khởi động một "nỗ lực quy mô" nhằm loại bỏ lượng mìn chưa nổ Chiến tranh Thế giới thứ hai vốn vẫn đang tiếp tục gây thương tích và giết chết người dân trên Quần đảo Solomon cho đến ngày nay.

Tại Quần đảo Solomon bà Sherman cũng lưu ý đến việc chính quyền Quần đảo Solomon gần đây có động thái hạn chế quyền tự do báo chí và đề nghị trì hoãn các cuộc bầu cử, đồng thời nêu ý kiến rằng đã đến lúc phải quyết định "nếu chúng ta muốn có các chính phủ minh bạch và có trách nhiệm với người dân của họ".

Trận Guadalcanal diễn ra từ ngày 7-8-1942 đến ngày 9-2-1943 trên đảo Guadalcanal và các khu vực phụ cận của Quần đảo Solomon. Chiến dịch này là cuộc tấn công lớn đầu tiên của phe Đồng Minh chống lại Đế quốc Nhật sau một thời gian dài phòng thủ.

Cuộc giao tranh trên bộ, trên biển và trên không kéo dài 7 tháng giữa quân Đồng minh và quân Nhật đã giết chết hàng chục nghìn quân - phần lớn là quân Nhật - và là một bước ngoặt của cuộc chiến.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-truong-ngoai-giao-my-tham-solomon-canh-bao-cac-dao-quoc-tbd-nguy-co-xung-dot-post692843.html